Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Sửa luật, cải cách tiền lương phục vụ tốt nhất người lao động

Để chuẩn bị nội dung báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31, chiều 6/3 tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội, về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6. Qua báo cáo Thường trực Ủy ban Xã hội, hiện còn một số nội dung cần xin ý kiến như: Xử lý mối quan hệ giữa thực hiện cải cách chính sách tiền lương và một số quy định trong dự thảo Luật; tác động của việc bãi bỏ mức lương cơ sở, tác động đến ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, tác động đến sự chênh lệch về mức đóng, mức hưởng; vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần và các vấn đề tài chính bảo hiểm xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án Luật có tác động rất lớn đến đời sống người dân, trong đó việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024 có ảnh hưởng đến một số nội dung trong việc sửa đổi luật. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhắc lại ý kiến chỉ đạo của UBTVQH tại phiên họp thứ 25, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động đối với từng nội dung sửa đổi. Nguyên tắc là thể chế hóa những nội dung, yêu cầu cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương. Trên tinh thần “ tắc đâu tháo đó, khó đâu thông đó”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, sau cuộc họp này, Chính phủ làm rõ những nội dung đặt ra để phục vụ việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, để việc sửa đổi Luật và cải cách tiền lương phục vụ tốt nhất cho người lao động.

Khắc Phục -

Cao Hoàng