• 2694 lượt xem
  • 05:01 24/01/2022
  • Văn hóa

Lời tiễn biệt thiền sư Thích Nhất Hạnh - Một vầng trăng im lặng

Rạng sáng 22/01, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch, rời xa cõi tạm để đến cõi niết bàn. Lễ Tâm tang của thày sẽ diễn ra trong 7 ngày, bắt đầu từ hôm nay, dưới hình thức một khóa tu im lặng. Thiền sư được đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng rộng lớn, là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân", với tư tưởng “Im lặng là con đường để đến với chánh niệm và giác ngộ”.

Tựa như một vầng trăng im lặng có thể hấp thụ mọi thanh âm sâu sắc, cuộc đời bậc chân tu đích thực đã góp phần giúp nhân sinh soi tỏ điều chân lý: “Hạnh phúc ở tại tâm”. Cuộc chia tay của thiền sư với các Phật tử hôm nay - thiết nghĩ - chỉ làm sâu sắc thêm sự tĩnh lặng của tâm hồn và thân thể. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thế danh Nguyễn Xuân Bảo) sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế, là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình. Xuất gia từ năm 16 tuổi, bước chân thầy đã an nhiên đi khắp nẻo nhân gian, mang theo một tâm hồn thanh tịnh tựa vầng trăng, cùng một trí tuệ uyên thâm, khiến người dân khắp mọi nơi đều khâm phục và nể trọng. Suốt đời mình, thầy tâm huyết truyền bá phương pháp Chánh niệm - Từ bi, với mong mỏi dẫn dắt con người nuôi dưỡng an lạc nội tâm, vượt qua được những bão giông, giữ cho tâm hồn bình an, thanh thản. Nhớ về thiền sư, ta sẽ không quên hình ảnh thày hướng dẫn mọi người đi bộ trong chánh niệm. Dòng người thiền hành trong im lặng chuyên chở biết bao năng lượng yên bình… Đó là những bước đi thong dong, an nhiên, tự tại. Mỗi bước chân là một Niệm cho an lạc, hòa bình, hạnh phúc, thương yêu. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý: “Triết lý của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh là một triết lý đến gần với dân, đến gần với người ta nhiều lắm. Trong triết lý này, ngài có nói tới giá trị của hiện tại, tư duy của con người ở hiện tại. Hiện tại là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng. Cũng như hạnh phúc cũng vậy. Hạnh phúc không phải là muôn đường. Hạnh phúc là con đường ta đang đi”.

Suốt mấy chục năm qua, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xướng xuất phong trào Phật học ứng dụng, với những khóa tu giản dị trong im lặng. Trong các bài thuyết giảng, thầy dạy cho mọi người phương pháp làm lắng dịu những căng thẳng trong thân, trong tâm, giúp chuyển hóa năng lượng tích cực cho cuộc sống. Đó là phương pháp khoa học. Thiền sư quan niệm: Đức Phật không phải một hình ảnh xa vời, cao siêu, mà chính là một nhà tư tưởng, một con người đắc đạo nhờ tu tập. Và Đạo Phật không giáo điều. Đó là lý do tại sao phương pháp thực tập chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh tạo được tiếng vang trên thế giới, bởi thực hành không quá khó, nhưng kết quả lại vô cùng sâu sắc. Nhiều người đến khóa tu với những nỗi đau, tuyệt vọng, để rồi vượt qua được niềm đau, nỗi khổ, tìm lại niềm vui sống giữa đời. Cũng nhờ vậy mà thế giới đã biết đến một nền Phật giáo Việt Nam - mà thiền sư Thích Nhất Hạnh là gương mặt tiêu biểu - bên cạnh những nền Phật giáo nổi tiếng lâu đời khác như Ấn Độ, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan….

Nhà báo Hoàng Anh Sướng từng được thiền sư Thích Nhất Hạnh mời đi cùng trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ liền trong 3 tháng. Anh đã nhiều lần tận mắt chứng kiến sức ảnh hưởng to lớn của thầy. Nhờ vậy, anh đã lĩnh hội được tư tưởng của thầy, đó là Đạo Phật không xung đột với bất cứ một truyền thống tâm linh nào; và trong bản chất đích thực, Đạo Phật cũng không xung đột với khoa học hiện đại.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng - Báo Tuổi trẻ và Đời sống: "Đạo Phật thầy Thích Nhất Hạnh mang đến cho người phương Tây, đó là Đạo Phật của trí tuệ: một kho tàng trí tuệ với đầy đủ phương pháp thực tập, mang lại cho chúng ta sự bình an, sự hạnh phúc. Trong chuyến đi đó, tôi đã chứng kiến rất nhiều người Mỹ có những bi kịch, khổ đau và họ tìm đến thầy để trị liệu những khổ đau đó. Người phương Tây có những tôn giáo riêng của họ: có những người theo đạo Cơ Đốc, có những người theo đạo Hồi. Nhưng họ vẫn đón nhận đạo Phật của thầy Thích Nhất Hạnh bởi vì đạo Phật ấy không có mầu sắc của tôn giáo. Ở đó chỉ là phương pháp thực tập rất cụ thể. Một phương pháp thực tập rất nổi tiếng của thầy Thích Nhất Hạnh, đó là đưa tâm về với thân trong giây phút hiện tại. Trong nhà Phật thì gọi và phương pháp chánh niệm". 

Khi mà bước chân tu tập đạt đến một tuệ giác nhất định, thì sự im lặng có thể hàm chứa những thanh âm sâu sắc nhất. Đó là sự im lặng sâu trong nội tâm và nhận thức của thầy; cũng chính là nơi mà những thanh âm khác có thể nảy sinh, ví như một nụ cười, một câu nhạc, một áng thơ...

Bậc thiền sư cao quý đã mang theo bên mình sự im lặng đầy tĩnh tại, cả khi còn tại thế hay khi đã ra đi về cõi nết bàn… Và lễ tâm tang của thầy cũng diễn ra dưới hình thức một khóa tu im lặng.

Tựa như một vầng trăng im lặng có thể hấp thụ mọi thanh âm đẹp nhất, thiền sư Thích Nhất Hạnh còn gửi lại cuộc đời điều nhận thức sâu xa: Hạnh phúc là an lạc - An trong thân và an trong tâm. Một lòng tu tập theo thiền sư, tin rằng bước chân Phật tử có thể tiến gần hơn đến miền an lạc.

Thiện Đoan