• 1076 lượt xem
  • 07:11 02/02/2022
  • Văn hóa

Lì xì online trong bối cảnh Covid - 19

Cùng với những lời chúc tốt đẹp trong dịp năm mới, văn hóa mừng tuổi, hay còn gọi là lì xì là nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Mặc dù cách đón Tết nay và Tết xưa đã có ít nhiều thay đổi, nhưng phong tục lì xì vẫn luôn được gìn giữ và duy trì.Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức lì xì online.

Khác với những dịp tết nguyên đán khi chưa có dịch covid, năm nay, gia đình bà Lê Thi Vân đã chọn lựa hình thức lì xì online để chúc tết, sẻ chia và mong muốn gửi đến những điều tốt đẹp nhất cho người thân ở xa.

Bà Lê Thị Vân, Hà Đông – Hà Nội:Lì xì là dịp để gặp nhau, để vui vẻ, thể hiện tình cảm, sự quan tâm với nhau. Do dịch bệnh không gặp được nhau thì cùng rất buồn. Bây giờ có internet, chuyển khoản nên muốn chúc Tết ai ở xa, không đến được thì có thể chuyển khoản. Đây là dịch vụ văn minh, vẫn giúp gắn kết tình cảm, gần gũi”.

Rõ ràng, với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid, thì lì xì online vừa thể hiện được sự gửi trao tình cảm, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Cùng với việc lì xì online, thì hơn tất cả, ngày tết sum vầy, được trực tiếp trò chuyện, sẻ chia và gửi cho nhau những lời chúc tốt lành vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt.

Cháu Trần Lê Cát Hà, Hà Đông – Hà Nội:Con sẽ dành tiền mừng tuổi để nhét lợn, khi cần con sẽ dùng tiền tiết kiệm đó để mua đồ mà con thích”.

Văn hóa lì xì không chỉ đơn thuần là việc trao lộc đầu xuân may mắn, không chỉ mang ý nghĩa thuần túy vật chất, mà nó còn có ý nghĩa gửi gắm tâm tư của người lớn, như lời nhắc nhở đối với con trẻ phải sống sao cho tốt. Còn đối với con trẻ, khi cầm trên tay phong bao lì xì, nó như một lời hứa sẽ cố gắng chăm ngoan, không phụ công nuôi dưỡng, chăm sóc của ông bà cha mẹ. Có lẽ vì vậy, mà văn hóa lì xì vẫn luôn được truyền từ đời này qua đời khác.

Phạm Kiên