Lãng phí từ hơn 85 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia bị dừng thực hiện

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đầu tư nhưng không có giá trị ứng dụng trong thực tiễn, trong khi đó nhiều đề tài có tính ứng dụng lại không có kinh phí. Đặc biệt, có đến 86 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia bị dừng thực hiện, không nghiệm thu được gây lãng phí lớn.

Đây là một trong những vấn đề được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra tại buổi làm việc chiều 12/8 với Bộ Khoa học và Công nghệ về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm , chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 ”.

Trong giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cấp bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác là hơn 3.700 tỷ đồng, nhưng chỉ có 519 tỉ đồng được phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (chiếm hơn 14%). Nghịch lý ở chỗ, nhiều Đề tài nghiên cứu khoa học lại chưa phát huy hết hiệu quả. Không có đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cấp quốc gia nào áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:‎ “Rất nhiều đề tài hiện nay cấp kinh phí xong bị dừng, hủy, thậm chí làm xong rồi nhưng lại không được đưa vào thực tiễn, trong khi đó có rất nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn thì lại không được ứng kinh phí. Tôi cho rằng đây là cái bất cập, dưới góc độ quản lý nhà nước thì Bộ cần đánh giá sâu về chuyên đề này.” 

Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Ninh: “Vừa qua chúng tôi đi Đồng Nai thấy rằng, một diện tích đất và nguồn lực đầu tư như vậy nhưng thực tế có hiệu quả hay không? Và doanh nghiệp công nghệ cao như vậy có thực sự đảm bảo các tiêu chí công nghệ cao hay chưa thì chúng tôi thấy lãng phí ở các đề tài như thế.” 

Một số ý kiến khác cũng đề nghị làm rõ nguy cơ thất thoát, lãng phí từ việc xử lý, thu hồi tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu, đầu tư về khoa học công nghệ.

Ông DOÃN ANH THƠ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: “Giá trị tài sản chưa được xử lý lớn, số liệu tổng hợp đến hết năm 2020 là 1.032 tỉ đồng, điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn.” 

Ông HUỲNH THÀNH ĐẠT, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Để khắc phục việc này, từ đàu nhiệm kỳ, chúng tôi thường xuyên đi công tác địa phương, có kiểm tra giám sát các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ ở các địa phương này.” 

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “3 dự án đầu tư công và tài sản công từ 76 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ thì đánh giá tài sản này thế nào, quản lý thế nào, sau khi hoàn thành thì các đề án, đề tài ra sao. Ví dụ việc quản lý, đánh giá hiệu quả các phòng thí nghiệm, các đề tài khoa học đã hoàn thành, chuyển giao thực hiện thì phải đánh giá cho được.” 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với việc 7 dự án chậm tiến độ, 4 dự án dừng triển khai với tổng chi phí là gần 75 tỉ đồng; việc quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, khi mà quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia được ngân sách nhà nước cấp hơn 317 tỉ đồng song việc triển khai hoạt động còn nhiều bất cập, chưa thể tự chủ, hàng năm phải sử dụng 1 phần nguồn vốn điều lệ để duy trì hoạt động thường xuyên. 

Khắc Phục