Lai Châu: “Gỡ khó” cho trẻ em bị ảnh hưởng theo Quyết định 861

Ngay sau khi Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các xã khu vực 3, khu vực 2 chuyển sang khu vực 1. Việc thay đổi chính sách khiến phụ huynh chưa kịp thích ứng khi trẻ đi học bị cắt chế độ, tỷ lệ trẻ đi học không đều trong những tháng đầu năm học.

Theo ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội tại tỉnh Lai Châu nơi có hơn 11.700 em không còn hưởng chế độ hỗ trợ do tác động của quyết định 861. Những luống rau chưa kịp lớn vì nhanh chóng được bổ sung vào bữa cơm vốn đơn sơ của học sinh dân tộc miền núi .

Cô LÒ THỊ ĐƯỜNG MÂY - Trường Tiểu học xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ: Trước còn hỗ trợ thì còn đầy đủ thịt cá, nhưng bây giờ nhiều em điều kiện vẫn còn khó khăn, có những bạn đến bữa cơm chỉ có 1 món, chẳng có gì ngoài cơm trắng với muối, bọn em nấu cơm cho các bạn cũng chỉ ăn canh không, nhìn thấy như thế thì bọn em cũng thấy thương các bạn.”

Không để trẻ bỏ lớp, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đến trường, các địa phương trong tỉnh Lai Châu đã biến quyết tâm thành hành động, chỉ sau ít tháng, tỉ lệ chuyên cần đã được nâng lên rõ rệt, lên trên 90%.

Ông PHAN KẾ ĐẠI - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Phúc Than chia sẻ: “Chúng tôi đã tổ chức những bữa cơm cặp lồng, gia đình chuẩn bị cơm cho trẻ mang đến trường, nhà trường chuẩn bị rau cho các cháu, cũng như thức ăn để đảm bảo cho các cháu đủ dinh dưỡng.”

Ông  LƯU HỒNG PHƯƠNG - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu phát biểu: Ngay từ đầu năm học, sở Giáo dục & Đào tạo cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành và các cấp. Chúng tôi cùng đến kiểm tra rà soát tình hình, với các ngành các cấp huy động nguồn lực, hỗ trợ một phần cho các em, duy trì những bữa ăn, đồng thời tuyên truyền đến người dân để hiểu về chính sách của Đảng và Chính phủ. Vận động phụ huynh cùng chung tay cho học sinh đến lớp được đảm bảo hơn.”

Tỉnh Lai Châu có 29 xã đã thoát khỏi danh mục xã khó khăn và đặc biệt khó khăn do được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này, đồng nghĩa là địa phương có 107 đơn vị trường, với 11.733 học sinh không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như trước đây. Xác định “Đầu tư cho giáo dục hôm nay, tỏa sáng tri thức ngày mai”, chính vì thế Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu vừa thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh ở bán trú tại các địa phương này.

Ông TRẦN TIẾN DŨNG - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu: “Chúng tôi quyết định đầu tư cho giáo dục, tỉnh đã ban hành nghị quyết để hỗ trợ cho các cháu học sinh, trẻ em tiền ăn trưa.  Hỗ trợ theo hướng giảm dần trong 3 năm, mỗi năm khoảng 9 tháng. Nâng cao tỉ lệ học sinh đến lớp và các cháu ở nhà xa có điều kiện học tập tốt hơn, chăm lo cho giáo dục là chăm lo cho thế hệ tương lai của Lai Châu.”

Nhờ có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu, hơn 11 ngàn học sinh đồng bào dân tộc thiểu số sẽ vững tâm trên con đường tiếp thu tri thức và 280 em học sinh người Mông của trường Tiểu học xã Phúc Than này cũng sắp thoát cảnh xách cặp lồng cơm, đi bộ từ vài km cho đến gần chục km từ tinh mơ và trở về lúc nhá nhem tối để kiếm con chữ, đường đến trường của các em đã vơi bớt gian nan./.

Hồng Dũng