Kiểm toán Nhà nước cần chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức, đơn vị sau kết luận của kiểm toán

Sáng 5/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì buổi giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” với Kiểm toán Nhà nước.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN), đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Theo số liệu được Kiểm toán Nhà nước báo cáo, từ năm 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước mới thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của 17 doanh nghiệp, đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng hơn 17.100 tỉ đồng và kiến nghị tăng thu NSNN 806,58 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, qua kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần cho thấy hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác.

Đây chỉ một trong rất nhiều lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa, các hành vi gian lận, vi phạm chính sách, chế độ về xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, cùng các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát tài sản của nhà nước đã xảy ra. Từ thực tiễn này, một số ý kiến đề nghị với chức năng của mình, kiểm toán cũng cần tập trung chú trọng phát hiện các kẽ hở trong quy định cơ chế, chính sách. Bên cạnh kiểm toán tuân thủ, đánh giá xem đơn vị được kiểm tra có thực sự thực hiện đúng quy chế, nội dung, tuân thủ pháp luật, cần tăng cường kiểm toán trong cả quá trình hoạt động của đơn vị.

Ông BÙI ĐỨC THỤ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia: “Từ thực tiễn kiểm toán, tôi đề nghị kiểm toán rà lại những bất cập, để kiểm toán nhà nước hoạt động tốt hơn, phát hiện kịp thời hơn, và không bỏ sót những sai phạm. Cổ phần hóa bị lợi dụng, chuyển công thành tư, gây thất thoát… đặt ra vấn đề thẩm quyền anh tới đâu, trách nhiệm anh thế nào?” 

Một số ý kiến cho rằng thông tin báo cáo chưa đủ thông tin chi tiết, cụ thể; việc sử dụng trong xem xét, đánh giá cụ thể chi tiết đến từng đơn vị, từng cuộc kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn. Tương tự, những kết luận, kiến nghị kiểm toán cũng chỉ phản ánh được số lượng chứ không thể cung cấp được thông tin chi tiết về nội dung của các kết luận, kiến nghị cụ thể. Do vậy, đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần mạnh dạn chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan sau kết luận của kiểm toán.

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Chúng tôi nghĩ rằng kiểm toán có số liệu và chúng ta nói với nhau bằng số liệu thì dễ chỉ ra được trách nhiệm của ai, ở đâu. Báo cáo của các đồng chí rất dày và chi tiết, nhưng cá nhân tôi vẫn kỳ vọng Kiểm toán Nhà nước có những cái thẳng thắn, chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân tổ chức nào.”

Ông BÙI ĐẶNG DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Có đến 8/12 mục vượt, vậy như có lãng phí hay không? Chúng ta đưa con số nhưng không tổng kết, không nêu, không phân tích, thành ra tìm rất khó.” 

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trưởng đoàn giám sát lưu ý Kiểm toán Nhà nước tiếp thu tối đa, chỉ đạo các đơn vị thuộc Kiểm toán Nhà nước bổ sung báo cáo cả về số liệu và nhận định, đánh giá xung quanh vấn đề ban hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong nội bộ cơ quan kiểm toán; về việc xây dựng chương trình kế hoạch kiểm toán và đánh giá hiệu quả, hiệu lực đặc biệt là thực hiện kiểm toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Tiếp tục rà soát để phối hợp, phân tích, đánh giá sâu thêm những sai phạm trên 7 lĩnh vực đấy, cố gắng lựa chọn những vấn đề trọng tâm, những vấn đề lớn, thuộc phạm vi quản lý Nhà nước đã cấp chiến lược và khi làm việc với địa phương về cả chiến lược và cả cấp của địa phương cụ thể. Toàn bộ những sai phạm, những vấn đề các đồng chí phát hiện phải gắn với việc nó đã gây lãng phí, thất thoát như thế nào và thực hành tiết kiệm như thế nào?.”

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể, rõ rang, phải bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến chức năng kiểm toán nhà nước, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngọc Tuấn