Không xây dựng thương hiệu, con đường đưa nông sản Việt ra thế giới còn nhiều thách thức

Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông sản đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và quốc tế còn hạn chế.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo và kết nối kinh doanh: Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức sáng 12/8, tại Hà Nội. 

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và nỗ lực đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế của nước ta đang đối diện với rất nhiều thách thức đặc biệt là năng lực tiếp cận thông qua thương hiệu sản phẩm. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nông dân vẫn chủ quan và chưa quan tâm tìm hiểu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản.

Anh TRẦN ĐỨC CẢNH, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trà Cảnh Hạ, Tân Cương, Thái Nguyên: “Chúng tôi chưa tiếp cận được, bình thường nghĩ sản phẩm của mình được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là có thể tiêu thụ trên thị trường nên cũng chủ quan. Cũng là khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ xây dựng được nhãn hiệu và được bảo hộ sẽ tốt hơn.”

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, người dân, doanh nghiệp cần tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Có nghĩa là sản phẩm đó được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm, loại hình đăng ký. Cách tiếp cận phải đúng, trúng và với phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả.

Ông NGUYỄN QUỐC TOẢN, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: “Chúng tôi thấy rằng phải tiếp cận từ cơ sở, mỗi người nông dân sẽ bằng năng lực, sự chủ động trở thành thương nhân, chính họ sẽ là chủ thể chính để hội tụ lại sản phẩm khi đưa ra thị trường sẽ đầy đủ thành tố, không chỉ mặt sản xuất mà cả về thương mại, kỹ năng bán hàng, cả năng lực pháp lý của sản phẩm đó, cả tiêu chuẩn của sản phẩm đưa ra thị trường. Đó là những điều chúng tôi đang cùng các đơn vị bám sát chỉ đạo đó. Chúng ta không xác định ngày một ngày hai sẽ làm được việc đó, không riêng ngành nông nghiệp làm được mà đây là vấn đề lớn.”

Trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh với con số đạt gần 50 tỷ USD, việc cần thiết là có thêm thành tố tham gia cùng người nông dân, doanh nghiệp trong bảo hộ sở hữu trí tuệ ra thị trường quốc tế. Khi có tranh chấp quốc tế xảy ra thì đây sẽ là các thiết chế đại diện cho người nông dân, hợp tác xã. 

Hà Lan