Khó ở đâu khi người tiêu dùng đi đòi quyền lợi của chính mình?

Mặc dù đã có Luật bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội bảo vệ, nhưng người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn trong việc đòi quyền lợi hợp pháp của mình. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến tại buổi giám sát của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường với UBND TPHCM về tình hình thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức vào chiều 18/7.

Theo đó, số lượng các vụ tố cáo liên quan tới quyền lợi người tiêu dùng tại TPHCM hiện chiếm tỷ lệ rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là người tiêu dùng chưa hiểu rõ được quyền lợi của mình, chưa biết cơ quan thụ lý, quá trình tố cáo, bảo vệ chứng cứ ban đầu. Khi phát hiện việc mình bị vi phạm quyền lợi thì không có đủ chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng.

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM: “Không có nơi cho người ta đến kêu, không được hướng dẫn. Thì toàn bộ bộ máy rất nhiều kênh, nhiều cơ quan chức năng rất sẵn sàng nhưng không có căn cứ từ ban đầu, không có gốc để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.”

Ngoài việc tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu, thì sự bất hợp lý trong các quy định của luật hiện hành cũng là một trong những nguyên nhân.

Ông VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: “Điểm D, khoản 2, Nghị định 99 yêu cầu người tiêu dùng khi có khiếu kiện phải cung cấp tài liệu chứng cứ. Họ có mỗi cái chai cầm đó, sao chứng minh được. Nhà sản xuất có vô vàn cách  đổ thừa cho người tiêu dùng mà cái này phải chứng minh bằng thực nghiệm nên cái đoạn này nói người tiêu dùng phải có nghĩa vụ là rất khó khăn.” 

Hiện có 55 Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng ở cấp địa phương. Tuy nhiên, vai trò của Hội trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn rất mờ nhạt.

Ông TẠ ĐÌNH THI, Phó chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Quốc hội: Chúng tôi biết thực tế hiện Hội cũng hoạt động rất khó khăn và chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của mình.” 

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam: “Mọi cái xuất phát từ kinh phí cả. Mà hội viên phải tự lo kinh phí, mà Hội thì không có tổ chức sản xuất kinh doanh gì cả. Cho nên đây là một điểm nghẽn của Hội.” 

Do đó, các đại biểu kiến nghị, thời gian tới khi sửa đổi, bổ sung Luật cần đề cao vai trò, chính sách hỗ trợ đối với Hội bảo vệ người tiêu dùng, để người dân được hỗ trợ, hướng dẫn và dễ dàng hơn khi đòi quyền lợi chính đáng của mình. 

Thùy Vân