Khó khăn chồng khó khăn, nhiều ngư dân không còn mặn mà bám biển

Là một trong 3 ngư trường lớn của cả nước, nhiều người dân Bình Thuận gắn bó với nghề biển thế nhưng chưa bao giờ việc mưu sinh trên biển lại khó khăn như hiện nay. Ngư dân không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ biển cả, thời gian qua dịch bệnh, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt khiến nhiều ngư dân không còn mặn mà với nghề biển.

Nỗi đau của làng biển Phan Thiết chưa nguôi khi trong chuyến đánh bắt vừa qua 15 ngư dân ra khơi chỉ 9 người trở về, 6 người nằm lại ở biển.

Đối với những ngư dân may mắn trở về như anh Luyến, chuyến đi đầy ám ảnh, việc có gắn bó với nghề biển nữa hay không, anh vẫn chưa dám chắc.

Ngư dân NGUYỄN THÀNH LUYẾN, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: “Cái này chưa biết, nếu có đi thì không đi khơi xa nữa đi gần thôi.”

Không chỉ đối mặt mới hiểm nguy rình rập ngoài khơi, thời gian qua do dịch bệnh, giá nhiên liệu tăng, sản lượng đánh bắt giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí ra khơi khiến ngư dân không còn mặn mà bám biển, nhiều tàu thuyền hiện tại nằm bờ, những người bạn biển phải chuyển ngành nghề hoặc phải đi các địa phương khác tìm việc làm.

Ngư dân NGUYỄN NGỌC TRÍ, phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: “Không đủ tiền mà chi phí, như vậy chắc ngư dân không trụ nổi.”  

Chưa bao giờ, ngư dân đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, việc có những chính sách phát triển nghề biển bền vững trở nên cấp bách hơn lúc nào hết nhằm đảm bảo sinh kế cho ngư dân.

BÌNH THUẬN: LÀNG BIỂN HỒI SINH NHỜ ĐƯỢC TRAO QUYỀN QUẢN LÝ MẶT NƯỚC

Nâng cấp tàu cá công suất lớn để vươn khơi khai thác tại các ngư trường xa bờ, hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình quản lý ven bờ, chuyển đổi sang nuôi trồng hải sản là giải pháp của ngành nông nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân và phát triển bền vững nghề biển.

Tại Bình Thuận, trong thời gian qua các giải pháp trên đã được chính quyền địa phương quan tâm, một số mô hình để tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân đã mang lại hiệu quả. Đây là tín hiệu tích cực, trong thời điểm ngư dân đang dần đuối sức. 

Đánh bắt tận diệt bằng thuốc nổ, tình trạng khai thác quá mức, đánh bắt tất cả các loại hải sản từ lớn đến nhỏ đã từng làm cho đáy biển xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam được ví như một nghĩa địa, ngoài xác sò thì không có bất cứ loài nào trú ngụ tại đây.

Thế nhưng cũng là đáy biển đó, vài năm trở lại đây, khi người dân thực hiện mô hình đồng quản lý sò lông đã góp phần tái sinh đáy biển thuộc khu vực này. Từng đàn cá, sò hay tôm đã quay lại đây trú ngụ.

Ngư dân NGUYỄN NÙNG, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Sau khi tụi tui giữ lại được mặt nước thì nó mang lại một số con mà trước đây đã mất, giờ nó sinh sôi lại thì nền dạng ở dưới nó sinh sôi lại, môi trường ổn định lại khoảng 65%. Những con ốc, ngao, hến về đây tái sinh lại một số.”

Mô hình đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam được người dân gọi nôm ra với cái tên là “sổ đỏ mặt nước” vì tại mô hình này người dân được trao quyền quản lý mặt nước. 56 hộ dân tham gia cộng đồng được giao quản lý, bảo vệ 16km2 mặt nước biển.

Ông ĐỒNG VĂN TRIỄM, Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Đầu tiên,  năm 2015 có  dự án nhỏ và vừa tại Việt Nam thì hỗ trợ mô hình nuôi sò lông của xã Thuận Quý. Lúc đầu người dân chả có biết gì về dự án, nhưng sau nhiều lần hội thảo, tuyên truyền bà con nói về Luật Thủy sản, phải bảo vệ thủy sản để giữ cho con cái thì bà con mới dần dần tham gia.”

Ông HUỲNH QUANG HUY, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận: “Bây giờ huyện Hàm Thuận Nam là huyện duy nhất trong cả nước triển khai bàn giao mặt biển cho cộng đồng ngư dân ven bờ quản lý trong 3 xã. Sau một năm thực hiện, nguồn lợi phục hồi quá ngoạn mục, nó thể hiện qua thu nhập của ngư dân. Trước kia, thúng chỉ kiếm được 500 ngàn đồng, bây giờ có thể kiếm 1,5 đến 2 triệu đồng.”

Vài năm về trước, rất nhiều ngư dân vùng biển xã Thuận Quý phải bán thuyền để chuyển nghề vì nguồn lợi hải sản cạn kiệt. Nhưng đến nay, nhiều ngư dân bắt đầu mua sắm ngư cụ trở lại. Từ khi có mô hình này, bà con đánh bắt ổn định.

Ông ĐỒNG VĂN TRIỄM, Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Mấy năm trước vất vả lắm, thúng phải đi tít lên Tiến Thành đánh cá chứ ở đây không có đâu. Nhưng giờ thì có khi cả trăm thúng đậu ở đây, cứ 2-3 giờ đêm đi, 6 giờ vào bán, cũng ngày cũng nhiều lắm đó.”

Ngư dân NGUYỄN NÙNG, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Đây cũng là tín hiệu để ngư dân mình phải bảo vệ.”

Ngư dân NGUYỄN DUY KHÁNG, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Con sò nó phát triển thì con cá mới về nhiều, đời sống của dân mới có.”

Sự thành công của mô hình đồng quản lý sò lông là cộng đồng ngư dân đã tham gia bảo vệ và khôi phục được nguồn lợi thủy sản, góp phần giúp ngư dân mưu sinh bền vững ngay tại vùng biển gần bờ.

NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH TẠO SINH KẾ BỀN VỮNG CHO NGƯ DÂN

Từ thành công của mô hình giao mặt nước cho cộng đồng tham gia bảo vệ sò lông, tái tạo nguồn lợi hải sản, tỉnh Bình Thuận đã triển khai 4 mô hình khác phù hợp với từng địa phương. Các mô hình này đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức của ngư dân về việc bảo vệ, đánh bắt nguồn lợi hải sản bền vững, lâu dài.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang triển khai 5 mô hình giao mặt nước cho cộng đồng ngư dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Để ngư dân tham gia các mô hình này, Chi cục Thủy Sản tỉnh  Bình Thuận đã phải có thời gian nghiên cứu lựa chọn loài nuôi phù hợp. Nếu ở Thuận Quý là sò lông thì ở Tân Thành là mực, Phước Thể là sò điệp.

Ông HUỲNH QUANG HUY, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận: “Chúng tôi phải nắm rất chắc các vùng biển ở khu vực đó, ngư dân trước giờ người ta sống, làm giàu bằng loài gì và giờ loài làm giàu đó giờ nó không còn nữa. Như Thuận Quý ngày xưa sò lông chất thành núi vậy, nhưng giờ bới móc không còn con nào, như Phước Thể ngày xưa sò nhiều, làm giàu cho bao nhiêu doanh nghiệp, nhưng giờ con đó không còn nữa, thì đó là những con mà họ muốn phục hồi lại, như vậy, chúng ta đưa ra các con đó để bà con hiểu và nghe chúng ta.”

Tại các mô hình, hiện nay người dân đã được khai thác nguồn lợi mình nuôi trồng, người dân cũng đã chủ động khai thác đúng thời gian, không đánh bắt khi vào mùa sinh sản.

Bên cạnh đó, các ngư dân trực tiếp tham gia bảo vệ vùng biển mình được giao. Từ đây, nhận thức của ngư dân cũng dần thay đổi.

Ngư dân NGUYỄN NÙNG, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận: “Sống bằng nghề lặn này 21 năm. Giờ già rồi, tôi làm nông phụ vợ con nhưng con chúng tôi vẫn yêu nghề biển, vẫn sống bằng nghề biển, thì tôi cũng nhắc tụi con tôi, biển nó nuôi cha mẹ sống, vì vậy các con phải bảo vệ, theo suốt quá trình cuộc sống của mình.”

Ông HUỲNH QUANG HUY, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận: “Cái phương pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản là phương pháp căn bản nhất để chúng ta phát triển bền vững, lâu dài và chúng ta đã quan tâm, thể hiện điều đó trong Luật Thủy sản 2017, áp dụng 2019.… Đó là sự chuyển hướng hết sức cần thiết để ngành thủy sản phát triển bền vững.”

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: “Trong thời gian tới, cũng nên quan tâm hỗ trợ, đầu tư, nhân rộng các mô hình này để đảm bảo sinh kế cho ngư dân.”

Không chỉ tại Bình Thuận, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân là điều cấp bách. Chính vì vậy, những mô hình như giao mặt nước cho dân để họ nuôi trồng, bảo vệ thủy sản, chuyển đổi nghề nghiệp khi nguồn lợi ngoài khơi càng ngày càng cạn kiệt rất đáng được nhân rộng.

Lê Trang