Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Phát biểu khai mạc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp theo tinh thần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khoa học, hợp lý, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm để các nội dung được xem xét, thảo luận và quyết định kỹ lưỡng, thấu đáo, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Dịch covid 19 năm 2021 đã tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 30/12/2021 đạt 1 triệu 545 nghìn 060 tỷ đồng, vượt năm 2020 khoảng 7%. Cán cân thương mại duy trì thặng dư. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục được củng cố. Nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch của Quốc hội. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025. Đây là lý do quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 để xem xét các vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó có Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ: 

(1) Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; 

(2) Quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả; 

(3) Phạm vi, thời gian thực hiện chính sách; (4) Các giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách và (5) Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chương trình.”

Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ Lạng Sơn đến Cà Mau, có tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 10 làn xe. Xem xét, thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triểnđịa phương này. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: “Tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung: (1) Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron; những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và tại Công ty Việt Á. (2)Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo trên, dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh trong thời gian tới, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội những quyết sách, giải pháp cụ thể, để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp bất thường lần thứ nhất”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên cơ sở nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước; Đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng, góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025.