Hội nghị thượng đỉnh BRICS ưu tiên vấn đề kết nạp thêm thành viên

Từ ngày 22-24/8, Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, diễn ra tại thành phố Johannesburg. Diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm, trong khi các quốc gia trong nhóm lại đang thúc đẩy một thế giới đa cực mới, các nhà phân tích cho rằng đây là thời cơ chín muồi để BRICS mở rộng sự hiện diện của mình.

BRICS hiện chiếm 42% dân số và gần 30% diện tích lãnh thổ toàn cầu. Nhóm  cũng chiếm khoảng 27% GDP thế giới và 20% thương mại toàn cầu.

Hiện có hơn 50 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó, 23 nước chính thức đặt yêu cầu.

KHẢ NĂNG MỞ RỘNG BRICS+

Đáp ứng mối quan tâm và nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi, thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, BRICS đang có cơ hội thuận lợi để tập hợp lực lượng, cuốn hút các quốc gia trên thế giới. Tại hội nghị lần này, nước chủ nhà Nam Phi mời đông đảo lãnh đạo và đại diện khoảng 70 nước đang phát triển, trong đó có nhiều quốc gia ở châu Phi tham dự. Đây có thể là lần đầu tiên BRICS xem xét nguyện vọng gia nhập của một số nước, với kì vọng giúp BRICS phát triển và lớn mạnh hơn dù theo bất kỳ hình thức nào.

HƯỚNG TỚI MỘT THẾ GIỚI ĐA CỰC

Cuối tháng 4 vừa qua, Bloomberg công bố dự báo dựa trên dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, đóng góp của các nước BRICS và G7 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu là ngang nhau và dự kiến BRICS sẽ vượt G7 trong thời gian ngắn sắp tới. Như vậy, trên phương diện kinh tế - thương mại, BRICS đã thật sự trở thành đối trọng của G7.

Trên phương diện chính trị, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các nước BRICS ngày càng xa rời phương Tây. Nga và châu Âu đối đầu khó tìm được lối thoát, trong khi cả Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay Trung Quốc đều không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. Cuộc xung đột dường như đã vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa hai bên.

Tổng thống Nga Putin không ít lần nói trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc phải loại bỏ trật tự thế giới đơn cực. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ mới đây cũng khẳng định, thế giới là đa cực, thế giới đang tái cân bằng và những cách thức cũ không thể giải quyết các tình huống mới.

Vì vậy, theo cách này hay cách khác, BRICS đã sẵn sàng hướng đến một thế giới đa cực trong tương lai. Và như vậy, sau hội nghị BRICS này, một bức tranh tổng thể toàn cầu mới đã được phác họa, một tiến trình mới của quỹ đạo trật tự thế giới sẽ được kích hoạt./.

Hồng Nhung