Học sinh dựng lán trại ngoài trường nội trú do tác động của Quyết định 861

Do có sự thay đổi chính sách đối với học sinh bán trú, có tình trạng học sinh nghỉ học hoặc căng lều bạt quanh trường để sống tạm trong khi các cơ sở vật chất khu vực nội trú lại bỏ không.

Đó là ý kiến ghi nhận được từ địa phương trong buổi khảo sát của Hội đồng Dân tộc tại Thanh Hoá về đánh giá tác động Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về  phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển.

Cụ thể tại huyện Thường Xuân, trước khi thực hiện chính sách có 9 xã đặc biệt khó khăn, theo Quyết định 861 thì chỉ còn lại 1 xã đặc biệt khó khăn. Trước đây trên địa bàn huyện được đầu tư 5 cơ sở bán trú với mức đầu tư thấp nhất là hơn 5 tỷ đồng, ở xã Luận Khê là 20 tỷ đồng nhưng bây giờ do đa số các xã đều không thuộc xã đặc biệt khó khăn nên học sinh không được hỗ trợ tiền ăn trưa. Vì vậy rất nhiều học sinh không vào bán trú nữa. 

Ông CẦM BÁ ĐỨNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá: “Có tình trạng là học sinh không vào bán trú nữa, mới chỉ thực hiện hơn một tháng học sinh chuẩn bị lều lán ra bên ngoài, ở giống ngày xưa, và huyện giải quyết là vận động để hỗ trợ điện nước, các cháu chỉ cần đem gạo đến để ăn mà các cháu cũng không vào, Bát Mọt gần như bỏ, Yên Nhân gần như bỏ, Xuân Chinh còn một ít, Luận Khê còn khoảng 1/3 thôi, cơ sở vật chất đầu tư nhiều tỷ như vậy là lãng phí.”

Tương tự như vậy, ở huyện Lang Chánh giai đoạn trước có 8 xã đặc biệt khó khăn, sau khi Quyết định 861 có hiệu lực chỉ còn lại một xã, khi không còn chính sách hỗ hỗ trợ học sinh bán trú, bắt đầu từ cuối năm 2021 đến nay nhà trường vẫn tổ chức bán trú nhưng phụ huynh học sinh không cho con đến trường nữa. 

Ông PHẠM VĂN TUẤN - Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá: “Phụ huynh không cho con đến lớp nữa, khi nào có tiền 15 nghìn đồng thì đưa con ra lớp học, bữa nào không có tiền thì để ở nhà rất khó khăn. Thời gian vừa qua, huyện cũng kêu gọi các mạnh thường quân cũng đóng góp được một số nhưng rất ít hỗ trợ cho các nhà trường các điểm, hỗ trợ từng tháng một, có điểm có nhưng có điểm không được.”

Không chỉ có hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân mà ở nhiều huyện ở Thanh Hoá đã xảy ra tình trạng này. Toàn tỉnh giảm gần 7.000 học sinh không tiếp tục được hưởng hỗ trợ chính sách dành cho học sinh nội trú, đây là một khó khăn rất lớn đối với ngành giáo dục của tỉnh. 

Ông NGUYỄN VĂN DĨNH - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá: Không có gia đình nào giống gia đình nào cả, mỗi tuần có gia đình chỉ cho vài chục nghìn để đi học không thể đồng đều với nhau, nhà trường cũng không thu được, mỗi em có một nhu cầu khác nhau, điều này vừa ảnh hưởng đến thu nhập của người dân vừa ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp.

Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực đã tác động không nhỏ đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm cả chính sách đầu tư và chính sách an sinh xã hội. Chính sách đầu tư sẽ phải chi ngân sách lớn và có thể có hiệu quả lớn về lâu dài nhưng không nóng bằng chính sách an sinh vì vấn đề an sinh sẽ tác động trực tiếp đến từng con người cụ thể, vì vậy việc đánh giá tác động của chính sách phải tính đến tâm tư tình cảm của bà con, phải để những con số ấy "biết nói".

Bà TRẦN THỊ HOA RY - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Chúng ta phải đánh giá để những con số biết nói. Liên quan cho đối tượng giáo dục không có hỗ trợ ăn trưa chúng ta xác định được không chỉ số liệu mà còn những tác động an sinh, do giãn cách chưa kiểm đếm được nhưng nếu học trực tiếp thì tình trạng học sinh nghỉ học hoặc dựng lán tạm sẽ còn tăng lên, ngành giáo dục cần có đánh giá để có phương án giải quyết tình thế.

Chính sách giáo dục đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách trọng tâm, quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết phát triển bền vững vùng này. Đề án Tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có định hướng nâng cao chất lượng, mở rộng mô hình hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, hỗ trợ việc ăn ở cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Việc ban hành Quyết định 861 sẽ làm giảm ý nghĩa của các chính sách này. Khảo sát của Hội đồng Dân tộc về nội dung này là cơ sở để đề xuất các chính sách  nhằm hạn chế tác động của Quyết định 861, đặc biệt là chính sách cho giáo dục../.

Phan Xanh