Hồ thủy lợi 3 nghìn tỷ đồng ở Tây Nguyên “treo” vì không có vùng tưới

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr thuộc tỉnh Gia Lai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2005, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, diện tích gần 3.000ha, dung tích chứa gần 200 triệu m3 nước. Công trình được kỳ vọng đổi đời cho vùng đất biên giới ở hai huyện Chư Prông và Ea Súp. Thế nhưng, cả chục năm nay, đại công trình thủy nông vẫn chưa có vùng tưới vì vướng đất rừng.

Nằm cách chân đập chỉ chừng vài trăm mét nhưng cánh đồng hàng trăm hecta của người dân xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai bị bỏ hoang, khô nứt nẻ vì không có nước tưới. Việc canh tác, sản xuất lâu nay chỉ nhờ vào nguồn nước trời ban. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây cũng vì thế mà bấp bênh. 

Làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai: “Ở đây chỉ làm được duy nhất 1 vụ lúa, năng suất thì kém, không có nước canh tác bà con khó khăn, quanh năm nghèo.

Ông KPĂ PUI: Làng Krăl, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai: “Tưởng rằng có thủy lợi bà con chúng tôi sẽ bớt khổ thế nhưng hơn chục năm nay chờ đợi vẫn chưa thấy gì, bà con vẫn phụ thuộc vào ông trời.”

Không chỉ thế, khi có mặt tại dự án này, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều hàng mục vẫn ngổn ngang, dang dở sau hàng chục năm khởi công xây dựng. Hàng nghìn hecta đất bị bỏ hoang vì có nguồn gốc đất lâm nghiệp. Địa phương cũng đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên bộ ngành trung ương để có giải pháp tháo gỡ.

Ông NGUYỄN TUẤN ANH: Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai: “Cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân mong mỏi lớn nhất làm sao Chính phủ và các ban ngành tìm cách tháo gỡ, sớm chuyển đổi các diện tích như dự kiến để đưa hồ vào hoạt động, không để lãng phí, để bà con nhân dân sớm hưởng lợi từ đại công trình thủy lợi này.”

Theo lãnh đạo UBND huyện Chư Prông, hiện nay các tuyến kênh của dự án đã cơ bản hoàn thành. Vùng tưới chưa phát huy hiệu quả vì đang chờ Chính phủ cho phép chuyển đổi khoảng 5 nghìn hecta đất rừng tự nhiên sang đất nông nghiệp. Và nếu việc chuyển đổi sớm được thông qua sẽ góp phần mở ra một vùng kinh tế rộng lớn ở khu vực biên giới.

Ông PHẠM VŨ TÚ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai: “Đây là vùng biên giới, địa phương chúng tôi mong muốn phát triển vùng kinh tế biên giới này tốt hơn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất bây giờ là chưa được chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang để phục vụ theo đúng mục đích của dự án. Do vậy, những nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, nhu cầu giải quyết về việc dân di cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để di dân ra vùng biên giới để ổn định đời sống cũng chưa thực hiện được.

Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sớm làm sao cho phép chuyển đổi diện tích này, một là để phát huy hiệu quả tốt nhất mục tiêu dự án, thứ hai là giải quyết nhu cầu của địa phương cũng như phát huy vùng biên giới này thành một vùng phát triển kinh tế tốt cho địa phương, ổn định quốc phòng an ninh trên địa bàn.”

Như vậy, để đại thủy nông Ia Mơr sớm đi vào hoạt động hiệu quả, đưa nước về các vùng sản xuất, thúc đẩy kinh tế ở 2 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, cần phải có sự vào cuộc tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.

Đức Hưng