Hà Nội: Liên tục gia tăng số ca nhập viện do sốt xuất huyết

Ngoài bệnh cúm A có số ca mắc tăng cao, sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay, thành phố đã có 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại 4 quận, huyện. So với tháng 7 đã tăng thêm 4 ổ dịch.

Nhiều bệnh nhân là người lớn và trẻ em nhập viện trọng tình trạng nặng. ngoài điều trị các bệnh truyền nhiễm, bệnh sốt xuất huyết cũng đang khiến cho bệnh viện quá tải.

Mặc dù thời điểm này chưa phải là đỉnh dịch sốt xuất huyết nhưng trung bình mỗi ngày bệnh viện Đa khoa Đống Đa ghi nhận từ 5 đến 7 bệnh nhân vào điều trị sốt xuất huyết, nhẹ thì điều trị từ 2 đến 3 ngày, nặng thì kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Điển hình như bệnh nhân này vào trong tình trạng sốt cao, nổi ban đỏ toàn thân, chị đã phải nằm điều trị gần 1 tuần mới đỡ. 

Bệnh nhân NGUYỄN THỊ LAN ANH: "Khi vào đây thì vẫn đang sốt cao, bác sỹ cho truyền điện giải và uống thuốc thì thấy ban ngày đỡ sốt hơn."

Bác sỹ HÀ HUY TÌNH, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Hà Nội: "Bệnh nhân vào viện thường có tình trạng là sốt cao liên tục, đau mỏi người. Có bệnh nhân thì xuất hiện niêm mạc, chảy máu răng. Một số bệnh nhân nữa thì có tràn dịch cả mạng bụng và màng phổi nữa."

Tại Bệnh viện Nhi TƯ, số trẻ vào nhập viện do mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên trông thấy. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 10 ca, nặng thì được chỉ định nằm viện, nhẹ thì được điều trị ngoại trú. Các triệu trứng sốt xuất huyết ở trẻ thường gặp như: sốt, phát ban, nổi mẩn đỏ ở tay, chân hoặc toàn thân.

Bác sỹ ĐỖ THIỆN HẢI, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương: "Phát ban ở trên bề mặt da thì bao gồm các cái chấm đỏ. Đây là triệu chứng khá điển hình của bệnh sốt xuất huyết và đặc biệt trong vùng dịch tễ đã có ca mắc sốt xuất huyết thì khi mà trẻ sốt cao đột ngột luôn phải nghĩ đến và cảnh giác là liệu có phải sốt xuất huyết không."

Tiến Dũng