Góc nhìn hôm nay: Thu thuế các nền tảng số xuyên biên giới vẫn là thách thức lớn

Ngày 21/03, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và triển khai ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động. Đây là sự kiện hết sức ý nghĩa. Vì đối với cá nhân, mới chỉ có hơn 500.000 người nộp thuế sử dụng dịch vụ thuế điện tử. Việc thu thuế với các nền tảng số xuyên biên giới, vẫn là thách thức lớn.

Khi tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Công Thương về quản lý thuế với dịch vụ xuyên biên giới tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thông qua các tổ chức tại Việt Nam, ngành thuế đã thu được gần 5.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ, Microsoft nộp 576 tỷ đồng. Năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020. Nhưng, so với doanh thu nhiều tỷ Đô-la Mỹ mỗi năm tại Việt Nam của những nền tảng số này, thì vẫn chưa thấm vào đâu…vì chế tài chưa chặt chẽ. 

CÁC NỀN TẢNG SỐ XUYÊN BIÊN GIỚI PHẢI KÊ KHAI VÀO CỔNG DỊCH VỤ

Sáng 21/3, Tổng cục Thuế tổ chức công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và triển khai ứng dụng eTax Mobile. Đây là những công cụ được kỳ vọng tạo ra sự công bằng, minh bạch đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet…Các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây không còn phù hợp và khó thực hiện, đòi hỏi thay đổi phương pháp quản lý, kịp thời tạo sân chơi bình đẳng giữa giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Thương mại xuyên biên giới, thương mại dựa trên nền tảng số đã hoạt động tại VN, kiếm được rất nhiều tiền tại Việt Nam, chúng ta cũng cố gắng thu thuế nhưng chưa thể quản lý được đầy đủ. Bởi, mới chỉ dựa trên cơ sở thuế nhà thầu, thuế nhà thầu nước ngoài để khấu trừ được thuế của các tổ chức cá nhân. Trong khi những nền tảng số xuyên biên giới đó phải có tài khoản, có hệ thống kế toán tại Việt Nam, mới khấu trừ được thuế nước ngoài.

Vì vậy, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không chỉ đăng ký, kê khai và nộp thuế, mà còn có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam từ bất cứ địa điểm nào trên thế giới. 

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ của nhiều hình thức của thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời gian qua, đặt ra các thách thức mới không nhỏ đối với cơ quan quản lý thuế. Đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế không xác định được căn cứ tính thuế, không phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh, quản lý đối tượng thu thuế, và việc kiểm soát dòng tiền dễ dàng. Công cụ kê khai thuế điện tử đi vào hoạt động được, kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Hiện nay, có một nghịch lý: 99% doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục thuế bằng điện tử từ đăng ký thuế đến kê khai, nộp thuế, hoàn thuế. Trong khi đó, chỉ có 492 nghìn trên 41 triệu cá nhân là sử dụng dịch vụ thuế điện tử, tức là chiếm có hơn 1% thôi. 

Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2020, tại Việt Nam có khoảng 15.000 kênh được bật nút kiếm tiền trên YouTube, nhưng chỉ có 30% chịu sự quản lý của các công ty mạng có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Nghĩa là, cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5.000 kênh để yêu cầu đóng thuế. Sự chênh lệch về số lượng tài khoản có doanh thu với số lượng có kê khai nộp thuế cho thấy, con số hơn 1.000 tỉ đồng thuế được thu trong các năm 2019 – 2020, là quá ít ỏi so với doanh thu thực tế.   

Mặc dù kiếm được hàng tỷ USD ở thị trường Việt Nam, nhưng những dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Google hay Netflix, vẫn cố tình tìm đủ chiêu trò để trốn thuế. Không chỉ làm tổn hại cho ngân sách quốc gia, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước, có cùng lĩnh vực hoạt động.    

TRÁNH THẤT THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI

Khoảng 5.000 tỷ đồng là số thu thuế các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới tính đến năm 2021. Trong đó, Facebook và Google mỗi bên nộp 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này vẫn còn khiêm tốn so với thực tế hoạt động của các nền tảng xã hội này tại Việt Nam, một thị trường ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà cung cấp lớn trên thế giới cung cấp nội dung số xuyên biên giới cũng đã có mặt tại Việt Nam. Theo thống kế, dịch vụ xem truyền hình trả tiền của Netflix đang đứng thứ hai trong top 5 dịch vụ truyền hình trực tuyến phổ biến, chỉ sau FPT Play, với trên 300 nghìn thuê bao. Với mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm tại thị trường 100 triệu dân. 

Tính đến tháng 6/2021, theo số liệu thống kê của NapoleonCat, một công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội, tổng số người dùng Facebook của Việt Nam đạt gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số cả nước, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019, dẫn đầu danh sách mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Trong 2 năm tính từ năm 2019 tới tháng 6 năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, hoạt động mua bán Online trên nền tảng này tăng vọt. Hiện Việt Nam cũng là nước sử dụng facebook messenger để quảng bá, bán hàng online nhiều hơn hẳn các nước khác trong khu vực. Doanh nghiệp, cá nhân còn sử dụng các mạng xã hội, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để thực hiện việc mua bán hàng hoá giữa hai bên dưới các hình thức không ký kết hợp đồng mua bán, gây khó kiểm soát cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn sử dụng sàn giao dịch điện tử nước ngoài để mua sắm hàng hoá ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cũng thông qua các nền tảng này để mua hàng hoá của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Căn cứ quy định của các Luật thuế hiện hành, các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, có thu nhập phát sinh như Netflix, Facebook, Google,…thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có thể thực hiện nghĩa vụ thuế trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Cơ quan thuế đang tiếp tục thu thập dữ liệu từ các ngân hàng thương mại và thực hiện các biện pháp hướng dẫn, gửi các thông báo yêu cầu thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế. Hàng năm số tiền thuế, tiền chậm nộp được thu vào ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng.

Việc nhanh chóng hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử cũng như kinh doanh dựa trên nền tảng số, đặc biệt với các đơn vị như Google, YouTube hay Facebook, là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động, hoạt động từ ngày 21.3.2022, cũng nhằm mục tiêu này. Nhưng, phải sau một thời gian nữa, mới đánh giá được hiệu quả của “hàng rào kỹ thuật này”, đến đâu.

CÔNG BẰNG GIỮA CÁC HÌNH THỨC KINH DOANH

Tổng cục Thuế đã xây dựng được danh sách 64 nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam và đã gửi thư ngỏ đến từng nhà cung cấp kèm theo tài liệu hướng dẫn về đăng ký, kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, tài liệu này cũng đã được đăng trên cổng bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thời gian tới, tiếp tục chuyển thể sang các ngôn ngữ thông dụng khác, như tiếng Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha … để hỗ trợ đa dạng hơn đối tượng nộp thuế. 

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ Đô-la Mỹ và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng Thương mại điện tử 2 con số. Google nhận định về quy mô của nền kinh tế số Việt Nam, sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ Đô-la Mỹ và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Thực tiễn này đòi hỏi có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả, hạn chế việc trốn thuế, mà còn thúc đẩy các hoạt động Thương mại điện tử bình đẳng.

Kính mời quý vị và các bạn đón xem chương trình trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và website: quochoitv.vn./.

Ngọc Dũng