Góc nhìn hôm nay: Thông báo 20 - Thước đo lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên

Qua hai tháng thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị, đã có 3 người thôi tham gia BCH Trung ương khóa XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác. Hai Thứ trưởng Bộ thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu trước tuổi.

Hai Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thôi giữ các chức vụ công tác, hoặc được bố trí công tác khác…là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6-Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 5.12.2022.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Thông báo 20 rất nghiêm khắc. Cán bộ đã bị kỷ luật, không còn uy tín để làm việc nữa, dư luận bức xúc thì cũng nên tự nguyện xin thôi, hoặc là nếu không xin thôi, còn tuổi công tác thì sẽ được bố trí, tạo điều kiện cho tiếp tục phấn đấu, nhưng cũng không để ở cương vị cũ nữa. Có lãnh đạo cấp tỉnh từ chức để nhận nhiệm vụ thấp hơn, theo tinh thần ngã chỗ nào, đứng dậy chỗ ấy để cố gắng và nỗ lực sửa sai. Nghĩa là, đã khác so với các nhiệm kỳ trước, khi cán bộ bị cảnh cáo nhưng vẫn tại vị đến hết nhiệm kỳ. 

Với việc siết chặt quy trình công tác cán bộ, đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí cụ thể, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng để không có "vùng cấm” và “bất kể đó là ai”...sẽ sàng lọc chất lượng cán bộ. Làm cán bộ, quản lý không có nghĩa là yên vị mãi, phải có “có lên, có xuống”, "có vào, có ra”. Ngay cả những trường hợp tưởng tưởng như đã "hạ cánh an toàn”, nhưng vẫn bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm minh nếu có vi phạm như vừa qua, đã được đông đảo đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Kết luận số 20 của TW đã nêu rõ, cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì tự nguyện xin từ chức. Như vậy, khi soi chiếu vào điều này, những cán bộ thuộc diện bị xử lý kỷ luật đó cần có thái độ chủ động xin từ chức, không nên để bị "gọi tên".

Thực tế, với những cán bộ lãnh đạo nếu không đủ phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó, thì cần phải dừng lại để “nhường ghế” cho người khác xứng đáng hơn. Đó vừa là văn hóa, vừa là lòng tự trọng của người Đảng viên.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngọc Dũng