• 3055 lượt xem
  • 08:27 29/04/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Tại sao vẫn chậm triển khai thu phí không dừng?

Sau gần 2 năm triển khai dịch vụ thu phí không dừng (ETC) theo Quyết định số 19 ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, số phương tiện dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ ETC còn thấp, mới đạt khoảng 50% số phương tiện trên toàn quốc. Trong khi chúng ta đều biết, việc thu phí không dừng được triển khai sớm, đồng bộ sẽ góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và nâng cao hiệu quả quản lý.

SỰ CỐ THU PHÍ KHÔNG DỪNG: LỖI ĐẾN BAO GIỜ

Trưa 24/4 tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng  đã xảy ra sự cố đứt cáp quang. Hậu quả ngay lập tức diễn ra khi hàng dài ôtô nối đuôi nhau khoảng 2 - 3km trước mỗi trạm thu phí trên tuyến. Sự cố đứt cáp quang khiến hệ thống thu phí không dừng tê liệt nhiều giờ diễn ra chỉ ngay trước thời điểm tuyến cao tốc cửa ngõ thủ đô này áp dụng thu phí không dừng toàn bộ dự kiến từ tháng 6/2022. Điều này khiến dư luận không khỏi quan ngại về công tác đảm bảo an toàn hệ thống thu phí không dừng cũng như khắc phục sự cố về thu phí không dừng của đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. 

Đầu tháng 3/2022 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phát đi thông điệp cứng rắn về việc sửa lỗi trong thu phí không dừng. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng rà soát, khắc phục triệt để tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống; làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. 

Sau 6 năm triển khai, hiện có khoảng 2,7 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ ETC. Tuy nhiên, chỉ có 60% đã nạp tiền vào tài khoản. Vì vậy, phương tiện dù đã dán thẻ mà không nạp tiền để sử dụng dịch vụ thì thu phí tự động cũng sẽ không phát huy hiệu quả.

Đây không phải lần đầu tiên tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng ETC đứt cáp quang, không thể thu phí ETC. Ước tính đến thời điểm này, có trên 4,5 triệu xe ôtô đang lưu hành trên cả nước. Thống kê cho thấy, khoảng một nửa trong số này đã sử dụng thẻ phu phí không dừng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều chủ phương tiện, hệ thống dịch vụ kỹ thuật quản lý thu phí không dừng còn xảy ra nhiều lỗi, khiến người dân chưa mặn mà khi sử dụng dịch vụ này. 

Sự cố ngày 24/4 vừa qua trên tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng một lần nữa cho thấy những lỗ hổng về kĩ thuật trong dịch vụ thu phí không dừng. Vậy đâu là bài học kinh nghiệm cần thiết được rút ra từ sự cố này cho hệ thống thu phí không dừng trên toàn bộ các tuyến cao tốc của cả nước?

SẼ TẬP TRUNG XỬ LÝ VƯỚNG MẮC

Bộ GTVT cũng đã thừa nhận, do đây là hình thức thu phí mới, công nghệ phức tạp, liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng nên bước đầu không tránh khỏi tồn tại, hạn chế. Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ tăng cường kiểm tra chất lượng đầu đọc thẻ, phần mềm để hạn chế lỗi. 

Toàn quốc hiện có 112 trạm thu phí đã được lắp đặt làn thu phí không dừng. Để thực hiện theo đúng tiến độ Quyết định 19/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật dịch vụ; đồng thời có những giải pháp cụ thể đối với những đơn vị đang gặp khó khăn khi thực hiện thu phí không dừng. 

Lý giải về sự nhùng nhằng sau gần 2 năm triển khai Quyết định số 19 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đưa lý do lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống ETC liên quan đến nhiều đối tượng. Nguyên nhân thực sự nằm ở chỗ làn thu phí thủ công với giao dịch “tiền tươi” tại các trạm BOT vẫn còn quá nhiều. Cùng đó, thu phí không dừng vẫn thiếu tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng khiến các tài xế phần nhiều không mặn mà với dịch vụ ETC. 

Tình hình trì trệ trong việc triển khai dịch vụ thu phí không dừng đã khiến lãnh đạo Chính phủ không ít lần sốt ruột và trong chỉ đạo tại Công điện số 155 ngày 22/2/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - người ký công điện đã phải đưa ra “tối hậu thư” cho câu chuyện này. “Không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022”. Cũng tại công văn này, Chính phủ yêu cầu đích danh Bộ GTVT phải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện; có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC (nếu phát sinh). 

Điều đó cũng có nghĩa, thời điểm sau 1/6/2022 sẽ không còn thu phí thủ công như được nêu trong Công điện 155 của Chính phủ có thành hiện thực hay không có thể vẫn còn phải bỏ ngỏ. Chúng ta rất cần đến một cam kết chắc chắn, mạnh mẽ trong hành động của Bộ GTVT để một dịch vụ hiện đại, mang tính văn minh cao như dịch vụ ETC, không còn mang gương mặt của một dịch vụ gây phiền toái, ngờ vực như thời gian qua. 

Nguyễn Duyên