Góc nhìn hôm nay: Loại bỏ nỗi khiếp đảm thanh tra chồng chéo

Cách đây hơn 5 năm, dư luận từng sửng sốt khi Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh tại Khu kinh tế Vũng Áng phải “cầu cứu” Chủ tịch tỉnh này khi từ tháng 4 đến 12/2017 (tức là chỉ 8 tháng), đã có 8 đoàn đến kiểm tra, thanh tra. Thậm chí, 1 tuần-từ ngày 8 đến 16/12, công ty này phải tiếp 4 đoàn thanh tra khác. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng này.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được thảo luận tại Kỳ họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.4.2022 đã lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, sẽ góp phần khắc phục "chồng chéo, trùng lặp" này; đồng thời cũng hy vọng chấm dứt lạm dụng quyền lực khi thanh tra.

KHI QUAN THANH TRA PHẢI VÀO TÙ

Còn nhớ phiên tòa sơ thẩm ngày 30 tháng 8 năm 2021 tại Vĩnh Phúc, đã xét xử 4 cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng, xác định những người này kiểm tra tràn lan, vượt thẩm quyền, không đúng đối tượng để vòi vĩnh và chiếm đoạt hơn 2,1 tỉ đồng của các doanh nghiệp ở huyện Vĩnh Tường. Bốn bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng cùng bị truy tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản", theo Điều 355 Bộ luật Hình sự.

4 bị cáo gồm Nguyễn Thị Kim Anh - cựu Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng là Trưởng đoàn thanh tra; Đặng Hải Anh - cựu chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2; Nguyễn Thị Kim Liên - cựu cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3 và Nguyễn Thùy Linh - cựu cán bộ Phòng Giám sát, Kiểm tra và Xử lý sau thanh tra, em ruột bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh. 

Theo cáo trạng, tháng 3/2019, được giao là Trưởng đoàn Thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh yêu cầu 29 xã, thị trấn trong huyện cung cấp 16 đồ án quy hoạch, 31 hồ sơ dự án và 167 hồ sơ dự án công trình. Hành vi này là kiểm tra tràn lan, vượt thẩm quyền và không đúng đối tượng. Trong đó, 75 dự án đã được thanh tra, kiểm toán trước đó.

Để che giấu việc này, bị cáo Kim Anh không gửi quyết định thanh tra tới UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở Xây dựng để phối hợp cùng thực hiện. Khi kiểm tra, bị cáo chỉ nhìn bằng mắt thường, không lập biên bản và chỉ đạo Đặng Hải Anh: "Đơn vị nào có quà biếu thì xem xét giảm nhẹ, người nào nhận trực tiếp được chia 1/3". 

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Nhiều doanh nghiệp có những vi phạm tương đối nghiêm trọng, để tránh được việc xử lý, xử phạt, người ta cũng dễ dàng chấp nhận những vòi vĩnh, đòi hỏi, tiêu cực. Đương nhiên về tư cách đạo đức thì rõ rồi. Nhưng với cương vị như thế, để đi đúng vào bản chất vấn đề thì thanh tra phải hỗ trợ doanh nghiệp để chỉ ra sai sót để khắc phục, tuân thủ pháp luật tốt hơn chứ không phải để bắt bẻ, trừng phạt hay tù tội doanh nghiệp.”

Cáo trạng thể hiện, một số chủ doanh nghiệp bị Đoàn Thanh tra nói có lỗi vi phạm đã tìm gặp Nguyễn Thị Kim Anh để giải trình nhưng bị cáo không chấp nhận và nói: "Muốn bỏ qua lỗi vi phạm phải đưa tiền", nếu không, doanh nghiệp phải đến "tận trụ sở Thanh tra Bộ Xây dựng ở Hà Nội để giải trình".

Nguyễn Thị Kim Anh cũng thống nhất với Đặng Hải Anh và Nguyễn Thị Thùy Linh yêu cầu nhà thầu tư vấn có sai phạm nộp 5% giá trị hợp đồng; nhà thầu thi công nộp 0,15% giá trị hợp đồng. Số tiền thu được, các bị cáo chi một phần cho hoạt động của Đoàn Thanh tra, còn lại ăn chia với nhau.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội: “Trên thực tế, không chỉ thành lập đoàn thanh tra, không chỉ thực hiện theo thủ tục thanh tra mà còn có những thủ tục tương tự như thanh tra để gây khó dễ cho doanh nghiệp, cho các đối tượng bị thanh tra. Phải quy định rất rõ trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra khi mà có kết luận. Ccái nào sai mà doanh nghiệp thừa nhận thì đương nhiên không có gì tranh cãi nhưng rất nhiều vấn đề doanh nghiệp hiểu một cách, cơ quan chức năng hiểu một cách và mọi thứ đều có thể xử lý theo cách chặt chẽ hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chúng ta phải đặt ra nguyên tắc.”

Từ tháng 5 – 6/2019, 4 bị cáo đã chiếm đoạt hơn 2,1 tỉ đồng nhưng cơ quan tố tụng chỉ xác định được 54 doanh nghiệp đã nộp hơn 1,3 tỉ đồng. Hơn 800 triệu đồng còn lại, không xác định được bị hại nào đã nộp cho các bị cáo. 

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh được giao làm Trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có trách nhiệm soạn thảo quyết định và kế hoạch thanh tra trình Chánh Thanh tra Bộ duyệt ký. Trách nhiệm cá nhân, nhưng đây là cá nhân đi làm công vụ và công vụ này do Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ. Như vậy, sai phạm của cá nhân đã làm ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của ngành thanh tra.

BỎ THANH TRA THƯỜNG XUYÊN

Lâu nay, dư luận vẫn đặt vấn đề: Có tiêu cực hay không trong thanh tra, kiểm tra? Và đáng buồn thay, chuyện này là có. Những vụ việc vừa bị lộ cho thấy, cần phải siết chặt lại hoạt động thanh tra.    

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với quan điểm "thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới" và mục đích hoạt động thanh tra là nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước. 

Vì vậy, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình, nhằm tránh chồng chéo, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Bỏ đi một hình thức thanh tra đã nhận được sự thống nhất cao từ Ban soạn thảo cho đến các đại biểu, cũng là quyết định nhằm giảm bớt chồng chéo.  

Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành, có 3 hình thức là: thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, như vậy sẽ góp phần khắc phục tình trạng "chồng chéo, trùng lặp" dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: ừng tiến hành cùng một lúc, đừng gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng bị kiểm toán, bị thanh tra và phải phối hợp với nhau nhịp nhàng.Trong này, các quy định cũng có rồi, nhưng cơ quan thẩm tra vẫn nêu thêm là cần phải có các quy định để khắc phục ngay từ đầu. Phải có kế hoạch ngay từ đầu để đừng chồng chéo. Tháng này ông này làm, tháng kia ông kia làm để hai ông đừng kéo nhau đến một lúc. Hai ông biết kế hoạch của nhau rồi phối hợp với nhau, gọi là tranh thủ sản phẩm của nhau."

Dự thảo luật sửa đổi cần quy định cụ thể cơ chế phối hợp trên cơ sở làm đúng chức năng nhiệm vụ, không lấn sân nhau. Không nên bố trí các đoàn thanh tra và kiểm toán, hoặc các cấp thanh tra làm việc với các cơ quan ở cùng một thời điểm. Thay vào đó, cơ quan thanh tra sau có thể tham khảo kết quả của cơ quan thanh tra trước đó.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Hiện nay trong thiết kế của luật có ba hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Theo quan điểm của, tôi thanh tra theo kế hoạch chính là thanh ra thường xuyên. Xây dựng kế hoạch năm nay anh kiểm tra lĩnh vực nào, đơn vị nào, sang năm lĩnh vực nào, đơn vị nào, thời gian nào thì cũng là thanh tra thường xuyên, theo kế hoạch. Cái gì làm cũng phải theo kế hoạch, chứ không phải làm lại không theo kế hoạch. Chúng tôi được hiểu thanh tra thường xuyên chính là thanh tra theo kế hoạch. Do vậy, tôi cũng đồng tình nên để 2 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất thì nó hợp lý hơn."

Cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục điều chỉnh dự thảo luật theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động cơ quan thanh tra. 

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng Thanh tra Chính phủ: "Ở đây, chúng tôi mạnh dạn bỏ thanh tra thường xuyên về hình thức, bởi vì thực chất không có lực lượng này và từ trước đến nay vẫn tập trung có 2 nhiệm vụ là thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Riêng thanh tra đột xuất đã chiếm mất khoảng 30-50% thanh tra kế hoạch hàng năm, ví dụ năm nay Thủ tướng và Ban Chỉ đạo chỉ đạo thứ nhất là thanh tra y tế phòng, chống dịch; hai là thanh tra về điện lực; ba là thanh tra xăng, dầu. Một số thanh tra như thế đã chiếm hết thanh tra theo kế hoạch."

Sẽ chỉ có hai hình thức là thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Trình tự thủ tục đề nghị có thiết kế chung, đảm bảo tính thống nhất. Đề nghị bổ sung xây dựng dữ liệu để phục vụ công tác thanh tra, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng chuẩn mực thanh tra theo hướng công khai minh bạch. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ thủ trưởng cơ quan với người ký kết luận thanh tra, đảm bảo đúng chức năng thẩm quyền.

LƯỢC BỎ TỪ ĐẦU NGUY CƠ CHỒNG CHÉO

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với quy định này của dự thảo luật, vì thực chất của thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, nên nếu duy trì hình thức thanh tra này là không đúng với tính chất của hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, do thực trạng "hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra", Chính phủ đã chỉ đạo đưa vào dự thảo luật nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.4.2022, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.  

Truyền hình Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn ngắn với đại diện Ban soạn thảo, về tiếp thu, chỉnh lý sau góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Thưa ông, một điểm mới trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) là bãi bỏ thanh tra thường xuyên. Theo ông, điều này có khắc phục được tình trạng nhũng nhiều, chồng chéo, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ không?"

Ông ĐINH VĂN MINH, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: "Trước hết phải nói rằng, các quy định của chúng ta thể hiện sự không rõ ràng, khi quy định không rõ ràng thì sẽ có nhũng nhiễu, chồng chéo. Chúng ta gọi là thanh tra thường xuyên thực ra là không đúng bản chất. Bởi vì đã là thanh tra thì khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc nguy cơ vi phạm chứ không ai lúc nào cũng đi thanh tra cả, dẫn đến thanh tra tràn lan.

Ở đây lẫn với hoạt động khác đó là kiểm tra thường xuyên. Hoạt động này rất cần. Bất cứ vị trí quản lý nào hay công việc nào cũng cần phải kiểm tra xem công việc có tốt không, vướng mắc ở chỗ nào để tháo gỡ, thúc đẩy công việc. Bác Hồ nói, “cần phân biệt giữa kiểm tra thường xuyên là hoạt động của người quản lý với hoạt động thanh tra. Thường khi có sai lầm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, bộ phận, địa phương thì mới cần thanh tra.

Luật cũ có khái niệm là thanh tra thường xuyên làm cho bản thân các cơ quan đôi khi cũng lợi dụng việc đó để đi thanh tra. Người dân, doanh nghiệp cũng thấy rất nặng nề, lúc nào cũng có cảm giác bị thanh tra. Chưa kể quy định nhiều cái không rõ ràng, sự phối hợp cũng không tốt. Nên tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp là có thật. Không phải tự nhiên Thủ tướng ra chỉ thị để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, tránh sự phiền hà, sách nhiễu."

Phóng viên: Để thanh tra thực sự “là tai mắt của trên, là bạn của dưới” nhưng cũng không phải là nỗi khiếp đảm của người dân, doanh nghiệp thì dự thảo luật cần quy định trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và báo cáo kết quả thanh tra như thế nào?

Ông ĐINH VĂN MINH: Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Bản chất của hoạt động thanh tra là nhằm chấn chỉnh cơ chế quản lý, loại trừ hành vi vi phạm, phát huy những nhân tố tích cực. Xét cho cùng là hướng đến một kết quả tích cực. Để cơ quan thanh tra thực sự là hình ảnh tốt đẹp, như một bác sĩ chăm sóc, loại trừ cái xấu, phát huy cái tốt, chỉ ra “bệnh tật” của bộ máy hoặc trong hoạt động để làm sao tạo môi trường phát triển tốt cho khu vực công, khu vực tư thì có rất nhiều yếu tố.

Trước hết, phải khẳng định mục đích của hoạt động thanh tra, phải rõ ràng. Đôi khi chúng ta nhìn nhận thanh tra như nỗi khiếp đảm, thanh tra đi tóm bắt, vạch vòi... Không phải vậy. Thanh tra là chỉ ra cái gì chưa được thì làm cho được, cái gì tốt thì phát huy. Phải duy trì nguyên tắc đó là hoạt động thanh tra không làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và đơn vị. 

Làm sao khi ra quyết định thanh tra phải quyết định đúng và trúng, tránh chuyện thanh tra tràn lan. Đúng thẩm quyền, đúng phạm vi, đúng vấn đề mà hiện nay xã hội đang quan tâm, đúng đối tượng hiện nay đang có điều tiếng. Phải tổ chức đoàn thanh tra làm sao bảo đảm chất lượng, chuyện này không nói lý thuyết mà rõ ràng phải tìm người có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra đó

Lâu nay trên nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH vẫn hay đặt vấn đề "có hay không tình trạng tham nhũng ngay chính trong những cơ quan phòng chống tham nhũng?”. Bởi, tuy thanh tra chuyên ngành không phải là cơ quan phòng chống tham nhũng, nhưng lại hết sức quan trọng trong phát hiện sai phạm. Nếu được giao nhiệm vụ đi kiểm tra để phát hiện sai phạm, mà chính cơ quan thanh tra lại lợi dụng để sai phạm như vụ ở Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc, buộc phải siết lại từ thể chế, văn bản pháp quy cho đến tổ chức thực hiện. Việc sửa Luật Thanh tra hiện hành cũng nhằm “vá những lỗ hổng thể chế” với chuyên ngành này. 

Từ thực tế được đúc rút, chắt lọc đưa vào luật, nhất là quy định chi tiết trách nhiệm người lập đoàn thanh tra, ký quyết định thanh tra ngay từ ban đầu, sẽ giúp tính khả thi của luật sau sửa đổi, bổ sung cao hơn. Nhưng, khâu tổ chức thực hiện với việc chọn người, bố trí cán bộ khi thi hành công vụ, cũng quan trọng không kém. Chọn sai người đi thanh tra, để xảy ra sai phạm thì thủ trưởng cũng không thể vô can.

Ngọc Dũng