Góc nhìn hôm nay: Làn sóng nghỉ việc Nhà nước

Giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã có 9.397 viên chức xin thôi việc, thậm chí bỏ việc. Tại Hà Nội, gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng qua khiến địa phương thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Liệu có thành "Làn sóng mới" nghỉ việc nhà nước , hay không?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa vừa ký văn bản gửi tới các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, UBND các tỉnh, thành phố cả nước... đề nghị báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc- thôi việc từ ngày 1/1/2020 đến hết 6 tháng đầu năm 2022.

Lý do bởi thời gian qua, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương xin nghỉ việc "theo nguyện vọng cá nhân", có xu hướng tăng nhanh. Nhất là ở lĩnh vực y tế công lập, theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã có 9.397 viên chức xin thôi việc, thậm chí bỏ việc. 

Liệu có thành "Làn sóng mới" nghỉ việc nhà nước , hay không? Một số quan điểm cho là bình thường theo sự dịch chuyển của thị trường lao động. Nhưng, nhiều chuyên gia lo ngại, cứ đà này tăng, các cơ quan nhà nước, bệnh viện công lập sẽ không có người giỏi làm việc nữa, mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Tại Hà Nội, gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng qua khiến địa phương thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Chế độ đãi ngộ và mức thu nhập thấp hơn so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập, nên nhiều người xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Nếu không có chế độ hỗ trợ nhân viên y tế kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.

NHÂN VIÊN Y TẾ BỎ VIỆC NHIỀU NHẤT

Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội hiện nay chỉ có 9 y, bác sĩ biên chế và 1 nhân viên hợp đồng. Do tình trạng lương thấp kéo dài nên vài năm nay, trạm không tuyển được thêm nhân viên y tế nào. Có người gắn bó với Trạm Y tế gần 10 năm nhưng tổng thu nhập mới chỉ hơn 5 triệu đồng. Trong khi đó, phải đảm đương việc chăm sóc sức khỏe cho hơn 50 nghìn người dân sinh sống trên địa bàn. Như vậy, bình quân mỗi một bác sỹ, điều dưỡng ở đây chăm sóc sức khỏe cho hơn 5 nghìn người dân. 

Điều dưỡng HOÀNG THỊ THỎA - Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội:Có những đồng nghiệp làm với nhau nhiều năm rồi họ nghỉ, người ta nói là quá oải mà mức độ dịch bênh thì như thế, ngoài ra thì lương chỉ có như vậy thế thì mình cũng bị lay động nhiều, mình cũng bảo hay là mình cũng nghỉ, mình cũng bị xáo trộn nhiều.”

Hơn 2 năm qua, đội ngũ y tế cơ sở này luôn là lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, với tâm thế sẵn sàng, “đi từng ngõ, gõ từng cửa nhà” để dập dịch. Có những ngày, tháng đằng đẵng, họ không được về với gia đình. Cống hiến là vậy, thế nhưng chế độ phụ cấp chỉ được ít ỏi, vài trăm nghìn một tháng. Lương và phụ cấp có khi không đủ nuôi chính bản thân họ chứ chưa nói đến phụ giúp gia đình. Vì lý do này, thời gian qua, tại trạm Y tế phường cũng đã có nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Bác sỹ NGUYỄN THỊ THU - Trạm Y tế phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: Tại trạm này đã có một cán bộ y tế đã xin nghỉ việc hồi đầu tháng 2 cũng vì là thứ nhất không đảm bảo được cái cuộc sống của họ và họ có một công việc khác phù hợp hơn để đảm bảo cho cuộc sống của họ tốt hơn. Cá nhân tôi cũng rất mong muốn các cấp lãnh đạo, ban ngành quan tâm đến đời sống của nhân viên y tế để mỗi cán bộ công hiến thêm sự đam mê, tâm huyết để phục vụ ngành y tế ngày một tốt hơn.”

Tình trạng thiếu bác sĩ làm việc cơ hữu tại các trạm y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương của Hà Nội, trong đó, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có hơn 80 cán bộ nhân viên y tế xin nghỉ việc và chuyển công tác.

Chỉ 6 tháng đầu năm 2022, đã có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc (gồm 3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc hoặc bỏ việc cao như: Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng… 

Với mức lương bình quân là 7,36 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức giá sinh hoạt trung bình ở Hà Nội và TP.HCM, nên dễ hiểu khi có tới 60% chi trả được một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày và 20,9% không đáp ứng đủ những khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày. Thu nhập không đủ sống. Chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc, là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng của những y, bác sỹ này.

Với TP.HCM, trước đó đã có những chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, cũng như hỗ trợ và thu hút nhân sự bổ sung cho các Trung tâm Y tế. Nhưng, đây mới chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, chưa giải quyết được vấn đề căn cơ, cốt lõi.

Bởi vậy, một cuộc đối thoại “đặc biệt” kéo dài gần 5 giờ đồng hồ giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và cán bộ, nhân viên y tế hôm 5.8 vừa qua, là hết sức cần thiết trong bối cảnh ngành này đang đối diện nhiều khó khăn. Hơn 10 ý kiến từ các giám đốc bệnh viện, trung tâm y tế, trưởng trạm y tế...đã phần nào khái quát những khó khăn về công việc, chế độ tiền lương dẫn đến nghỉ việc. Những tâm tư nguyện vọng của nhân viên y tế công lập hiện nay, cũng như những giải pháp cần tháo gỡ cả trước mắt lẫn lâu dài.

CÒN NGHỈ VIỆC NẾU CƠ CHẾ TIỀN LƯƠNG KHÔNG  PHÙ HỢP 

Hơn 10 năm công tác tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TPHCM, chị Huệ đã quyết định nghỉ việc để ra làm ở ngoài vì áp lực công việc quá lớn trong khi thu nhập không đảm bảo. 

BS.VÕ THỊ ÚT HUỆ - TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh: “Từ lúc dịch thay đổi nhiều thứ lắm. Đi lại nhiều, vất vả, công việc áp lực, thu nhập thấp. Cộng nhiều thứ lại nản quá nên nghỉ việc.”

Tại buổi gặp gỡ giữa ngành y tế thành phố với ông Nguyễn Văn Nên-Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM vừa qua, đại diện các đơn vị y tế cho biết, tỷ lệ nhân viên y tế nghỉ việc đang có xu hướng gia tăng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 số nhân viên y tế tại các cơ sở công lập đã giảm hơn 300 người. Phần lớn trong số họ đều là những y, bác sĩ có thâm niên, kinh nghiệm.

BS.CK1 ĐỖ THỊ TÂN - PGĐ Trung tâm Y tế quận 1, TP.Hồ Chí Minh: “Ngày 1/10 cho đến thời điểm này, TTYT quận 1 đã có 21 em nghỉ việc. Có những phòng nghỉ sắp hết luôn, có em làm 10 năm, có em 5-6 năm. Trạm y tế cũng có 2 em nghỉ việc và xin chuyển việc cũng có. Mặc dù chúng ta có nhận người mới nhưng người mới gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm chưa có mà làm trong tuyến dự phòng, cơ sở phải có kinh nghiệm và tiếp xúc với người dân”.

Bên cạnh các yếu tố như cơ sở vật chất, môi trường làm việc, đào tạo nâng cao tay nghề thì áp lực, cường độ làm việc quá cao, trong khi mức thu nhập chưa tương xứng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhân viên y tế tiếp tục xin nghỉ, chuyển việc.

BS.CK1 ĐỖ THỊ TÂN - PGĐ Trung tâm Y tế quận 1, TPHCM: “Tất cả những công việc mà trạm y tế và Trung tâm y tế phải làm là 29 đầu việc. Vừa điều trị, chăm sóc, dự phòng. Về nguồn thu chỉ có lương chính là nhiều, chứ không có gì khác.”

PGS.TS HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP.Hồ Chí Minh: “Đối với nhân viên y tế thì thực sự tụi em không muốn giàu nhưng có thực mới vực được đạo. Ít nhất nó phải có mức tương đối nào đó để toàn tâm toàn ý cống hiến cho ngành y tế và phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.”

Vừa phải đối mặt với các nguy cơ dịch chồng dịch, thiếu thuốc, vật tư y tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo, việc nhân viên y tế vẫn tiếp tục có xu hướng chuyển, nghỉ việc khiến ngành Y tế TPHCM gặp rất nhiều khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN NÊN - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh: “Khi người dân bệnh thì bác sĩ lo. Khi bác sĩ không khỏe thì ai lo? Lo kiểu gì? Đây là câu hỏi nó luôn làm cho chúng tôi hết sức day dứt.”

6 tháng đầu năm 2022, chỉ riêng TP.HCM có 891 viên chức ở các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân viên y tế được tuyển mới. Số người làm việc ở cơ sở y tế công lập của TP.HCM ở thời điểm cuối năm 2021 và hiện nay chênh lệch khoảng 306 người. Dù biến động nguồn nhân lực y tế không quá lớn nhưng Sở Y tế TP.HCM cho biết, khó khăn, hệ lụy từ sự biến động nhân sự này lại không hề nhỏ. Nhiều người nói, cả TP.HCM gần 11 triệu dân mà chỉ có 306 y-bác sỹ nghỉ việc, thì cũng không phải là nhiều. Tỷ lệ so với dân số thì nhỏ, nhưng thật sự lại đang gây nhiều khó khăn cho các đơn vị, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh. Bởi, đây là những người có thâm niên, kinh nghiệm được đào tạo. Còn những người mới tuyển vào, là những người mới vừa tốt nghiệp, cần phải hướng dẫn, huấn luyện trong một thời gian dài nữa.

Y bác sỹ, nhân viên y tế bệnh viện công lập nghỉ việc hàng loạt, là đáng lo ngại. Bên cạnh những khó khăn của dịch bệnh hơn 2 năm qua, thì mức lương khu vực công đang thấp hơn nhiều so với khu vực tư, cũng là một nguyên nhân dẫn đến chuyện nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn rời bỏ khu vực nhà nước, tìm kiếm công việc khu vực tư nhân có thu nhập tốt hơn.

Đây cũng là nội dung, mục đích của Bộ Nội vụ khi yêu cầu các địa phương, Bộ, ngành...sớm báo cáo về Bộ này. 

Chúng tôi đã kết nối điện thoại với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc trò chuyện.

CHẬM NHẤT CUỐI NĂM PHẢI BÁO CÁO TOÀN HỆ THỐNG

Trở lại với "điểm nóng nhân sự y tế nghỉ việc" là TP.Hồ Chí Minh. Lúc này cần quyết liệt đề xuất các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, vướng mắc về tự chủ tài chính của các đơn vị. Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế, để tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND trong kỳ họp chuyên đề tháng 9 tới đây.

Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, vừa thực hiện theo Nghị quyết 39 của Trung ương, nhưng vẫn phải đảm bảo biên chế cho ngành y tế và giáo dục, khi số bệnh viện, giường bệnh, trường học luôn tăng hàng năm. Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ, có nghĩa là phải rà soát về năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức để tinh giản, chứ không phải là chạy theo chỉ tiêu một cách cơ học. Nếu tăng bệnh viện, giường bệnh mà vẫn giảm biên chế cơ học, là không phù hợp. Vì không ai có thể phân thân làm nhiều việc cùng một lúc được, mà cũng không người nào đủ sức làm liên tục từ sáng đến tối hết ngày này sang ngày khác được, trong khi thu nhập lại dưới 10 triệu đồng mỗi tháng.

Còn lúc này, để có cơ sở trình cấp thẩm quyền giải pháp khắc phục phù hợp, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương của toàn hệ thống chính trị báo cáo cụ thể số lượng, cơ quan đơn vị công tác, giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn… của những cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay. Bộ Nội vụ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng xin thôi việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để khắc phục.