• 1041 lượt xem
  • 17:19 23/08/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Không khoan nhượng với "giặc nội xâm": tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

6 tháng đầu năm nay, cấp Ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm 2021). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Đây là một số thông tin nổi bật tại Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 17.8.2022 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Một thông điệp mạnh mẽ, kiên quyết với “giặc nội xâm” là tham nhũng-tiêu cực-lãng phí, không khoan nhượng và không có vùng cấm với bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.

KHÔNG VÙNG CẤM, KHÔNG NGOẠI LỆ, BẤT KỂ LÀ AI

Từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án với 682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ và 298 bị can so với cùng kỳ năm 2021).

Riêng Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: đã Khởi tố mới 8 vụ án và 29 bị can, Khởi tố thêm 40 bị can trong 12 vụ án.Kết thúc điều tra 10 vụ án với 134 bị can.Kết thúc điều tra bổ sung 6 vụ án với 142 bị can, truy tố 7 vụ án với 77 bị can.

Xét xử sơ thẩm 5 vụ án với 55 bị cáo

Xét xử phúc thẩm 6 vụ án với 53 bị cáo

Điểm nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, nội chính, kiểm tra đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản Nhà nước xảy ra tại TPHCM, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương… trong đó, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Chỉ riêng liên quan đến Công ty Việt Á đã khởi tố 25 vụ án với 95 bị can.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã Thu hồi được hơn 9.027 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (Tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).

Ngành thanh tra, kiểm toán đã tập trung các lĩnh vực nổi cộm, khiến dư luận bức xúc để kiến nghị xử lý, thu hồi 15.418 tỉ đồng và 134ha đất.Kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân (tăng 831 tập thể và 603 cá nhân so với cùng kỳ năm năm 2021).

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua. Nhất là việc xử lý nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 2 Uỷ viên Trung ương là Bộ trưởngBộ Y tế và nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ do sai phạm vụ Việt Á. Một lần nữa đã khẳng định "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai". Hay như việc xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước…chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước, thể hiện đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Dư luận hoan nghênh và đồng tình với thuật ngữ Kỷ luật sắt, để đảm bảo Không có vùng cấm. Quan chức và dân thường đều bình đẳng trước pháp luật.

Tại phiên họp thứ 22, Ban Chỉ đạoTrung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu hoàn thành kiểm tra chuyên đề việc tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.Cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán theo hướng tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, hoặc những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật.

Ông NGUYỄN THÁI HỌC, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: “Tình hình tham nhũng vấn còn nghiêm trọng và có sự móc nối giữa khu vực công với khu vực tư. Có sự móc nối giữa cán bộ thoái hoá biến chất với nhóm lợi ích sân sau. Sự móc nối này rất tinh vi. Đánh giá về tham nhũng tiêu cực mặc dù chúng ta làm tốt nhưng không vì thế mà tham nhũng không nghiêm trọng.”

PGS. TS LÊ VĂN CƯỜNG, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Trước kia chỉ phòng chống tham nhũng, bây giờ cả tiêu cực. Trước kia chỉ ngăn chặn, đẩy lùi bây giờ chủ động nước sạch từ nguồn, làm ngay từ đầu.”

Đặc biệt, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, ngành nội chính và kiểm tra đã phối hợp chặt chẽ, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Đến nay, đã khởi tố 25 vụ án với 95 bị can, quy mô vụ án xảy ra từ cấp Bộ, ngành đến tỉnh, thành phố và cấp cơ sở và trở thành vụ án có tính chất điển hình về tham nhũng, tiêu cực tập thể.

Ông TRẦN VĂN ĐỘ, Nguyên Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao: “Công cuộc PCTN ở nước ta đã phát triển vượt bậc, nhiều vụ án tham nhũng đã được phát hiện và xử lý, trong đó có những người có chức vụ rất to … đây là một thành công rất lớn thể hiện tham nhũng của chúng ta không có vùng cấm, kể cả đương chức, cả nghỉ hưu nên có thể nói là không có thời gian cấm.”

Ông NGUYỄN VĂN YÊN, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: “Hiện nay, các cơ quan điều tra trong toàn quốc đã tiến hành điều tra đồng thời, quyết liệt, ráo riết. Ngoài cơ quan điều tra của Bộ công an, cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng cũng rất khẩn trương, quyết liệt điều tra vi phạm ở Trung ương, nhất là đối tượng chính, đối tượng chủ mưu, cầm đầu, người tích cực hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả sai phạm.”

Ban chỉ đạo phải hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành các Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch. Phấn đấu đến hết năm nay kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án, xét xử sơ thẩm 25 vụ án, xét xử phúc thẩm 5 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch.

KHẨN TRƯƠNG XÉT XỬ 9 VỤ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Khẩn trương đưa ra xét xử 9 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm:

Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”tại tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác.

Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phươngliên quan.

Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại Dự án Nha Trang Center 2, số 01 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang”.

Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại Dự án Nha Trang Golden Gate, 28E Trần Phú, Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang.

Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM.

Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận

Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Bệnh viện Mắt TPHCM.

Vụ án “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới” (Vụ án Buôn lậu 51 kg vàng và vận chuyển trái phép qua biên giới 200.000 USD) tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.    

MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NHƯNG VẪN XỬ NGHIÊM VỀ ĐẢNG

Theo tinh thần đó, liên quan đến Công ty Việt Á, 25 địa phương đã khởi tố, còn lại 38 địa phương chưa khởi tố nhưng vẫn có 68 vụ việc liên quan, đang được xem xét.

Cũng từ vụ Việt Á, dư luận có băn khoăn khi nhiều cán bộ cấp thấp và nhân viên y tế không tư lợi gì thực tế, chỉ vì chấp hành chỉ đạo của cấp trên mà bị điều tra-khởi tố…khiến bản thân mất hết cả sự nghiệp, tai tiếng để đời với gia đình -dòng họ-hàng xóm…Theo Ban Nội chính Trung ương, các vụ việc liên quan đến kit test Việt Á cho thấy, đây là một dạng điển hình của tham nhũng tập thể. Có trường hợp một phần tiền tham nhũng đã được đưa vào để chia phúc lợi, hỗ trợ nhân viên y tế trong thời gian chống dịch. Những trường hợp hoàn toàn vô tình nhận lợi ích này, sẽ được nộp lại để không bị xem xét trách nhiệm. 

Với sự quan tâm và trăn trở, tại phiên họp 22 vừa qua, Ban chỉ đạo đã thống nhất chủ trương phân hóa xử lý với 4 cấp độ. Theo đó: Cấp độ 1 là nghiêm trị. Cấp độ 2 xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.Cấp độ 3 miễn hình phạt và cấp độ 4 là miễn trách nhiệm hình sự. Đây là chủ trương đặc biệt, vừa nghiêm khắc, vừa hết sức nhân văn.

Hiện nay, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo xử lý công bằng giữa các bị can, các đối tượng có liên quan.

Xử lý cán bộ theo tinh thần “sai đến đâu xử đến đó” theo 4 cấp độ này, vừa nghiêm khắc lại vừa nhân văn. Người mắc lỗi hay sai phạm do vô tình, không có động cơ vụ lợi, sẽ bị xử lý nhẹ hơn. Nhưng, cũng phải đề phòng tình huống “chạy” từ cấp độ này sang cấp độ khác cho nhẹ tội hơn.

Với những cán bộ thuộc diện Ban Bí thư-Bộ Chính trị quản lý, nếu đã sai phạm, bị kỷ luật thì cần đưa ra khỏi Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh-thành phố. Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết. Chẳng hạn như Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND Ninh Bình Trần Hồng Quảng, đã kỷ luật cảnh cáo và mới đây,bị Ban Thường vụ tỉnh ủy đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Ngày 11/8/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng-Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương có trách nhiệm với những sai phạm khi thực hiện công tác phòng chống Covid-19 và liên quan đến Công ty Việt Á. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận sai phạm đến mức phải xem xét kỷ luật, thì chắc chắn ông này sẽ không thể đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Hải Dương được nữa.

Một khi tay đã nhúng chàm, khi đã mất lòng tin, dù có tham gia Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương, có nói cũng không ai nghe nữa!

Ngọc Dũng