Góc nhìn hôm nay: Cố thủ ở chung cư nguy hiểm

Đã hết quý 1.2023, nhưng vẫn chưa di dời hết người dân khỏi 4 khu nhà nguy hiểm cấp D (tức là có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào), là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và tập thể Bộ Tư pháp. Nguy cơ nhà đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng vì sao người dân vẫn cố thủ, không chịu tạm cư?

Tòa nhà G6A Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội có 2 đơn nguyên được xác định là nhà nguy hiểm cấp D, sau 2 lần kiểm định, tòa nhà này có độ lệch dao động từ 33 - 451 mm, tương ứng với độ nghiêng từ 1,4 - 4,8%. Khe lún giữa 2 đơn nguyên tách ra khe hở khoảng 1 m. Quá nguy hiểm, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 21 hộ dân chưa chịu di dời. Mới đây, UBND phường Thành Công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình đã tổ chức thi công quây tôn tại tầng 1 đơn nguyên 1 và 2 của tòa nhà G6A. 

Dù chung cư có xuống cấp hay nguy hiểm, người ta vẫn không muốn di dời đến nơi tạm cư. Cuộc sống của người dân gắn vào đó và có sự xung đột quyền lợi các bên. Theo quy định, nếu doanh nghiệp tham gia cải tạo, người dân có thể được hệ số bồi thường tối đa 2 lần, ví dụ người dân đang ở căn hộ 30 m2, sau cải tạo có thể được căn hộ mới 60 m2. Nếu người dân và nhà đầu tư không tìm được tiếng nói chung, nhà nước phải đứng ra cải tạo thì hệ số bồi thường chỉ bằng 1, nghĩa là khi cải tạo xong căn hộ 30 m2 chỉ được bồi thường đúng diện tích 30 m2.

Đại diện các hộ dân tham gia đối thoại với UBND quận Ba Đình đều nói ủng hộ việc cải tạo lại chung cư cũ và sẵn sàng di chuyển khỏi chung cư G6A, để chính quyền phá đi xây dựng lại, nếu những băn khoăn được giải đáp thấu đáo. Người dân lo ngại vì đã có những người đã di dời khỏi chung cư cũ hàng chục năm qua và đang sinh sống ở các nhà tạm, nhưng đến nay vẫn chưa biết ngày về. Chẳng hạn, nhiều người di dời khỏi nhà G6A từ năm 2006 và đang sinh sống ở khu nhà tạm cư Phú Thượng, nhưng đã 17 năm qua họ vẫn chưa được về nhà vì chung cư chưa cải tạo xong. Còn các khu nhà đang tạm cư, nay cũng đã xuống cấp.

Ngọc Dũng