Góc nhìn hôm nay: Có nên mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân?

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các "soạn giả" trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú". Về vấn đề này còn có nhiều ý kiến!

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án như sau: Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các "soạn giả" trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" tại khoản 1 và bổ sung tiêu chuẩn tại khoản 2, khoản 3 để phù hợp với việc bổ sung đối tượng. Phương án 2: Giữ như quy định về đối tượng, tiêu chuẩn của Luật hiện hành. 

Hoạt động văn học - nghệ thuật ở nước ta bao gồm 9 lĩnh vực: Văn học, Sân khấu, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Âm nhạc, Điện ảnh, Múa và Văn nghệ dân gian. Cùng mang đến cho công chúng những giá trị nghệ thuật, thưởng thức sau những nỗ lực sáng tạo và cống hiến thì việc mong muốn được xem xét và công nhận của nhà nước thông qua những danh hiệu này ở các nghệ sĩ nhiếp ảnh là điều dễ hiểu. Mời quý vị theo dõi phóng sự sau.

Với gần 60 năm gắn bó với chiếc máy ảnh, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến không chỉ nổi danh vì những tác phẩm đạt giải thưởng lớn, những tác phẩm lý luận, phê bình tâm huyết và những cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật Nhiếp ảnh nước nhà, mà bình dị hơn, ở ông họ nhìn thấy sự đam mê, sự sắc sảo, nhạy bén mà đong đầy cảm xúc trong từng tấm ảnh. Thế nhưng, để có một danh hiệu chính thức của nhà nước ghi nhận và khẳng định những đóng góp thì nghệ sĩ Vũ Huyến lại chưa có. 

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh VŨ HUYẾN - Nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: "Tôi là nhà nhiếp ảnh và tôi rất ủng hộ việc này. Tôi cho rằng những danh hiệu đó có tác dụng động viên rất lớn cho những người được nhận, nó như một sự khích lệ, khẳng định vị trí của họ trong xã hội, đồng thời đó cũng như giao nhiệm vụ. Cần phải phấn đấu hơn nữa để cho hoạt động của mình ngày càng tác động nhiều hơn tới cuộc sống.”

Nhiếp ảnh là một lĩnh vực có nét riêng biệt đặc trưng, người nghệ sĩ sáng tạo không thể tưởng tượng để có thể tạo ra một tác phẩm, mà hoàn toàn phải được nhìn thấy một cách trực tiếp. Tính chính xác là yếu tố quan trong nhất và đây cũng là loại hình nghệ thuật có tác động trực quan nhanh nhất đến công chúng. 

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia HỒNG VĨNH: “Các nghệ sĩ nhiếp ảnh mới được Hội Nghệ sĩ phong tước hiệu theo các hiệp hội của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh, đây cũng là niềm vinh dự cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, tôi rất mong muốn các nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có được danh hiệu ghi nhận của Nhà nước."

Mỗi một chuyên nghành nghệ thuật đều có nét đặc trưng riêng, vì vậy tiêu chí để một nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND hay NSƯT cũng vậy. Dư luận và chính những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng đang băn khoăn và đặt ra câu hỏi nếu Nhiếp ảnh được đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu trong Luật Thi đua, Khen thưởng thì tiêu chí đánh giá là gì?

Kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia NGUYỄN SƠN: “Cần phải có những tiêu chí cụ thể rõ ràng do một Hội đồng nghệ thuật xét duyệt. Hội đồng gồm những người được đánh giá cao thậm chí có thể mời các chuyên gia ở nước ngoài để họ có thể tham gia Hội đồng.”

Một điểm mới đáng chú ý là mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân theo hướng mở rộng các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trước đó, theo quy định hiện hành, chỉ những người tham gia hoạt động biểu diễn mới được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Như vậy, với tiếp thu giải trình mới, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” sẽ được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chúng tôi sẽ kết nối điện thoại để phỏng vấn bà Trần Thị Thu Đông, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, người đã từng có những ý kiến chia sẻ sâu sắc bày tỏ sự quan tâm, trăn trở về nội dung này. 

Qua xem xét các kiến nghị, tại dự thảo Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi trình Quốc hội lần này, cơ quan soạn thảo đã xin ý kiến mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân theo hướng các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chứ không giới hạn trong lĩnh vực biểu diễn. Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật thi đua khen thưởng sửa đổi mới đây, theo ý kiến nhiều ĐBQH, quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực, khích lệ rất lớn để những người lao động nghệ thuật, yên tâm cống hiến, sáng tạo.

Từng có thời gian làm trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đại biểu Nguyễn Huy Thái đoàn Bạc Liêu đã có những “trải lòng” hết sức “gan ruột”  trước quy định mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu trên. Theo đại biểu, điều này sẽ “hoá giải nỗi buồn của của một bộ phận không nhỏ giới văn nghệ sĩ” bấy lâu nay, “để những con tằm tiếp tục rút ruột nhả tơ’.

Ông NGUYỄN HUY THÁI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Khen thưởng là gặt hái, đầu tư cho các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng chính sách phù hợp, cũng giống như đầu tư cho một quy trình gieo trồng của nghề nông. Trồng dưa thì được dưa trồng đậu thì được đậu, mà nhất trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà đang như hiện nay. Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho đối tượng hoạt động văn học nghệ thuật có đủ điều kiện là phần thưởng xứng đáng để tạo động lực cống hiến, cho ra những sản phẩm văn hoá nghệ thuật chất lượng cao…các nghệ sĩ biểu diễn, trình bày sẽ tiếp tục nâng giá trị. Đáng tiếc là bấy lâu nay danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú chỉ được xét trao cho nghệ sĩ biểu diễn mà không trao nghệ sĩ sáng tác. Khoản 1 điều 66 của dự thảo luật được thông qua lần này sẽ hoá giải cho những nỗi buồn đó. Là những nghệ sĩ sáng tác hay biểu diễn thì những thân tằm rút ruột nhả tơ đó cũng sáng tạo nên những tác phẩm văn hoá cho xã hội.”

Ủng hộ với phương án 1, các đại biểu cho rằng đây cũng là phương án giúp xóa đi sự phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ.

Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Việc tiếp thu bổ sung tại dự thảo luật lần này đã tránh được sự so bì, bất bình, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của giới văn nghệ sĩ, kịp thời động viên, khích lệ lực lượng này sáng tác, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển.”

Bên cạnh tán đồng quy định tại khoản 1, điều 66 dự thảo luật, các đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ thêm khái niệm nghệ sĩ, tiêu chí khi mở rộng đối tượng khen thưởng để đảm bảo thuyết phục, chặt chẽ.

Ông TÔ VĂN TÁM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Cần có đánh giác tác động về việc mở rộng thêm đối tượng vinh danh danh hiệu này để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.”

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Để đạt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân ở lĩnh vực kiến trúc thì cũng cần phải làm rõ những đối tượng nào hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc được gọi là nghệ sĩ và có những quy định tường minh hơn cho danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân trong lĩnh vực kiến trúc.”

Ngoài ra đề nghị, Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với những đối tượng này.

Bà NGUYỄN THỊ LAN ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: “Mỗi một chuyên ngành nghệ thuật đều có những nét đặc trưng riêng, do vậy các văn bản do Chính phủ quy định thì cần có những tiêu chuẩn riêng đối với những nhóm đối tượng này, tránh tình trạng những nghệ sĩ gạo cội cả đời phấn đấu hy sinh cho nghệ thuật lại không được xét tặng. Đồng thời, cần làm rõ nội dung tác phẩm thế nào là tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật và được công chúng yêu thích và đón nhận.”

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Nếu quy định nhà văn là đối tượng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, tôi trân trọng đề nghị trong thông tư hướng dẫn của Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết về đối tượng nhà văn sẽ bao gồm tất cả các tác giả sáng tác các thể loại văn học và dịch thuật, đó là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và dịch giả. Tránh việc chúng ta bỏ sót đối tượng và tiếp theo tôi đề nghị sửa từ "nhiếp ảnh" trong Điều 66 thành "nhiếp ảnh gia" cho chính xác."

Việc sửa đổi luật là để đảm bảo bao quát hết được các đối tượng khen thưởng, và cũng như một đại biểu đã viện dẫn câu ngạn ngữ “pháp luật chỉ là đạo đức tối thiểu của đạo đức còn đạo đức mới là pháp luật tối đa”, sự động viên, khích lệ, ghi nhận kịp thời của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động lực lớn lao để những người nghệ sĩ tiếp tục miệt mài lao động, tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, góp phần vào nền văn hóa đậm đà bản sắc của nước nhà. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa vừa qua.

Trong giới nghệ sĩ có không ít băn khoăn về vấn đề mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và cho rằng việc này là không cần thiết. Bởi, những người làm nghệ thuật thì nên để khán giả, độc giả là người ghi nhận. Hơn nữa, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn,... có cống hiến đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Với những người làm nghề chân chính, danh hiệu cao quý nhất vẫn là danh hiệu trong lòng nhân dân, trong lòng công chúng. Bởi một người được tặng danh hiệu NSND, NSƯT phải là người có cống hiến lớn cho lĩnh vực nghệ thuật mình hoạt động. 

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc bổ sung đối tượng nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả trong lĩnh vực sân khấu để được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú khi họ đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định là vấn đề mới xuất hiện. Các tiêu chí phù hợp, nhằm trao cho những người xứng đáng được nhận là yếu tố đương nhiên và chắc chắn phải có trong luật. Làm sao để xét duyệt công bằng, từ phía những người duyệt là một việc rất khó. Với một tinh thần cầu thị, trách nhiệm nghiêm túc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đối tượng và trân trọng ý kiến xác đáng của một số đại biểu Quốc hội cũng như nhiều ý kiến góp ý khác, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho lấy phiếu để Đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.

Diệu Huyền