Gỡ vướng mua bán điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Với tinh thần khẩn trương, nhằm chủ động bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng mua bán điện. Chiều 20/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có cuộc làm việc với các chủ đầu tư dự án điện tái tạo liên quan đến việc chuẩn bị đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện đối với các dự án điện chuyển tiếp.

Thông tư 15 và gần nhất là thông tư 21 của Bộ Công Thương ban hành được coi là động tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thiện nhưng không kịp cơ chế giá FIT. Cụ thể, sẽ tính giá trần (giá cao nhất) của khung phát điện(chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ 1.508,27 đồng/kWh đến1.815,95 đồng/kWh tùy theo loại hình

Tuy nhiên, 36 nhà đầu tư có dự án điện mặt trời, dự án điện gió chuyển tiếp cho rằng, quyết định 21 có phần vội vàng và đề nghị cần thuê tư vấn độc lập đánh giá cho vấn đề này. Theo các doanh nghiệp, phương pháp tính giá điện EVN đưa ra là chưa phù hợp, gây bất lợi cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị áp dụng tính cơ chế giá từ 7 UScents/kWh.

Tính đến ngày 18/3/2023 vẫn chưa có chủ đầu tư dự án nào gửi hợp đồng đàm phán mua bán điện và giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng vì thủ tục hồ sơ chuyển tiếp vẫn còn chung chung, cần được EVN có hướng dẫn cụ thể.

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, khung giá đã có, phương pháp xác định giá cũng đã được đặt ra và chỉ chờ Bộ Công Thương thông qua. Do đó, EVN cho rằng, các dự án chuyển tiếp muốn đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật, đề nghị các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Diệu Huyền