Giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu

Sáng 7/1, trong phiên “Thảo luận trực tiếp và trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", một số đại biểu đề nghị gói hỗ trợ chính sách cần tập trung vào những ngành nghề quan trọng, mũi nhọn có động lực tăng trưởng cao.

Theo một số đại biểu, cần tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch Covid-19 và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng: như dịch vụ du lịch, sản xuất-xuất nhập khẩu. Đồng thời cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, có ý kiến đề nghị nên cân nhắc giảm thuế 1% nhưng thực hiện trong 2 năm, tránh ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Ông Trần Đình Văn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Cần xác định nhu cầu kinh tế từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách phù hợp hơn….”
Hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, phù hợp, tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho doanh nghiệp cho hướng đi và cách đi theo phương châm trao cần câu hơn cho con cá. Chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao. Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cho vay chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, vay vốn xong gửi lại ngân hàng lấy lãi hoặc đầu tư vào bất động sản, chứng khoán.

Ông Mai Văn Hải - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá : “Gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... chỉ nên tập trung vào lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... Việc này nhằm tránh nguồn vốn hỗ trợ không vào lĩnh vực sản xuất cốt lõi mà chảy vào đầu tư tài chính, bất động sản thì rất nguy hiểm”.

Cũng nên dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân, hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc. Thanh-kiểm tra chặt chẽ khi triển khai nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội để tránh trục lợi./.