Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Yêu cầu Bộ Nông nghiệp kiểm đếm đất nông nghiệp bỏ hoang

Vấn đề đất nông nghiệp bị bỏ hoang, gây lãng phí là 1 trong những nội dung được Đoàn giám sát của Quốc hội đặt ra tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn sáng 19/8 về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương -Trưởng đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc.

Theo Nghị quyết 39 của Quốc hội, tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 27 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 3,9 triệu ha đất trồng lúa, theo mục tiêu đến năm 2030 quyết tâm giữ được 3,5 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Theo các đaị biểu, nhiều diện tích đất lúa vẫn được thống kê nhưng lại bị bỏ hoang tại các địa phương.

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Với ngành nông nghiệp thì đất đai là tư liệu sản xuất, thế nhưng tư liệu sản xuât trong nhiều trường hợp không những không được sử dụng hiệu quả mà còn lãng phí rất lớn. Nhiều diện tích bị bỏ hoang nhưng không được xử lý đúng quy định Luật Đất đai.”

Ông NGUYỄN CÔNG LONG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Rất nhiều được chuyển sang, được thống kê sang là đất lúa nhưng không phải trồng lúa. Và diện tích đất trồng được lúa thật lại được chuyển sang để làm khu công nghiệp. Chúng ta muốn phát triển nhanh bằng cách phá hết cả bờ xôi ruộng mật ra làm nhà máy, làm khu công nghiệp thì tôi rất e ngại”.

Qua khảo sát, Tổ công tác của Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ làm rõ thực trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này?

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Một ông nông dân tiễn tôi đi ra Hà Nội ông nói với tôi 1 câu là: Nếu thu nhập người trồng lúa mà tốt thì nông dân sẵn sàng ra ngoài ruộng giăng mùng giữ lúa. Còn nếu thu nhập không tốt thì chúng tôi sẽ bỏ lúa, lúc đó mới chính là vấn đề an ninh lương thực. Chúng ta không nói mình chỉ giữ an ninh lương thực đơn thuần trong khi sinh kế, thu nhập, đời sống người trồng lúa. Các địa phương chuyển đổi đất lúa, đất rừng như 1 sự đánh đổi, có thể đánh đổi nó ngang giá, có thể lời, lời trong ngắn hạn nhưng lỗ trong dài hạn.”

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG:Giờ có thể thống kê được đất nông nghiệp bị hoang hóa không? Cái này cũng là bài toán khó với Bộ, rất khó nhưng cố gắng thống kê được và nguyên nhân vì sao? Loại thứ 2 là đất nông lâm trường chuyển cho địa phương cũng có vấn đề. Đất nông lâm trường chuyển cho doanh nghiệp, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp cũng chưa rõ, vấn đề này cũng đang vướng. Bộ dưới góc độ quản lý của mình, có những kiến nghị thì tới đây sửa Luật Đất đai, có thông kê, kiểm đếm.”

 Theo thống kê, còn hơn 96.300 ha đất nông lâm trường chưa sử dụng. Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ báo cáo bổ sung làm rõ những kết quả, hạn chế từ góc nhìn tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá hiệu quả thế nào, tiết kiệm gì, lãng phí gì từ việc quản lý, khai thác, sử tài nguyên.

Vũ Hiếu