Giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT: Hà Nội thừa nhận thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên

Chiều 23/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có: Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trước khi có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Đoàn Giám sát đã tiến hành khảo sát tại nhiều cơ sở giáo dục ở các cấp học trên địa bàn một số quận, huyện. 

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy, đội ngũ giáo viên, biên chế giao cho các nhà trường còn thấp hơn so với biên chế định mức của ngành giáo dục. Việc tuyển giáo viên đối với các môn sử dụng phương pháp tích hợp còn gặp khó khăn; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ đã gây ra rất nhiều bất cập trong thời gian qua.

Giải trình vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát đặt ra, Bí thư thành uỷ Đinh Tiến Dũng thừa nhận, vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên cả số lượng, cơ cấu, chất lượng là những vấn đề rất bất cập của thành phố hiện nay. Để giải quyết được vấn đề này, tới đây ban thường vụ thành ủy sẽ ban hành riêng một chỉ thị để giải quyết, và thường xuyên giám sát. Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong giáo dục đào tạo, tạo sự chủ động cho địa phương.

Về một số mặt kết quả khác, thành viên đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, báo cáo mới chỉ thể hiện được về mặt số lượng mà chưa cho thấy chất lượng. Đây cũng là vấn đề phải đánh giá lại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Hà Nội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Dương Dung