Giải pháp phục hồi kinh tế xã hội: Đại biểu kiến nghị sớm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng

Thảo luận về một số giải pháp phục hồi kinh tế xã hội, một số đại biểu cho rằng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người dân đặc biệt là người lao động. Do đó, đại biểu đề xuất cần sớm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng đề đảm bảo đời sống cho người lao động.

Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid -19 khiến người lao động gặp khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm… Đặc biệt, với tình trạng bão giá các mặt hàng từ rau quả cho đến lương thực thực phẩm, người lao động rất cần được chia sẻ những khó khăn này. Đại biểu cho rằng việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 là đúng đắn và cần thiết.

Bà NGUYỄN THỊ XUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động lại doanh nghiệp, động viên tinh thần đối với người lao động, gắn bó hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp; đồng thời tăng lương tối thiểu, kịp thời lúc người lao động đang khó khăn, thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của nước ta: tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.”

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Lạng Sơn đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.

Ông PHẠM TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình của lương tối thiểu tháng.”

Trước thực trạng giá nhiều mặt hàng tăng cao như xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác, nhiều đại biểu cho rằng, đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp và đây cũng là trở ngại lớn cho việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Do vậy đề nghị Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đối với xăng dầu, nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân.