Giai đoạn 2016-2021, 1.200 vụ án gây thất thoát lãng phí 31.700 tỉ đồng

Chiều 23/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với các cơ quan Tư pháp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Trong giai đoạn 2016-2021, các cơ quan điều tra của Công an đã kết luận điều tra hơn 1.200 vụ án hình sự liên quan đến gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản, vốn ngân sách nhà nước, quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Tổng giá trị thiệt hại, thất thoát lãng phí trong các vụ án đã kết luận, xét xử là hơn 31.700 tỉ đồng. Tổng giá trị tài sản đã được thu hồi trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế là hơn 26.000 tỉ đồng.

Ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, thu hồi số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước; đẩy nhanh việc điều tra, truy tố và tiếp tục đưa ra xét xử nghiêm minh.

Các Tòa án đã xét xử tổng số hơn 2.700 vụ án với hơn 6.800 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong các lĩnh vực KTXH. Số lượng các loại vụ việc nói chung và các việc gây ra thất thoát, lãng phí mà các Tòa án phải giải quyết năm sau tăng hơn so với năm trước, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội ngày càng phức tạp.

Còn theo Bộ Tư pháp, hệ thống Thi hành án dân sự hiện hành chưa có các chỉ tiêu tổng hợp, thống kê số liệu về thất thoát, lãng phí qua các bản án, quyết định của Tòa án các cấp.

Để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan Tư pháp làm rõ những bất cập, lỗ hổng về chính sách pháp luật, công tác thu hồi tài sản thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Ví dụ bây giờ như nhiều các dự án đất đai vì liên quan đến các vụ án mà cứ để treo miết, đất vàng vị trí đẹp mà để không sử dụng mỗi một ngày một lãng phí, thậm chí người đi tù đã về rồi mà vẫn không giải quyết được thì những cái vướng đó cần phải xử lý thế nào?” 

Ông VŨ HUY KHÁNH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Phương tiện, hàng hóa tiêu dùng, như sách giáo khoa, sữa, xăng dầu, vì phạm các lĩnh vực gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả..nhưng cơ chế xử lý pháp luật TTHS không cho phép cho, bán, sử dụng khi quá trình tố tụng chưa kết thúc, mà nếu để thì thêm một ngày thêm lãng phí.” 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các quan Tư pháp đánh giá rõ việc thực hành, tiết kiệm, lãng phí trong bản thân nội tại cũng như hệ thống cơ quan Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: "Quá trình điều tra, truy tố, xét xử kéo dài, không thi hành án được thì cũng gây lãng phí thì mức độ như thế nào? Còn cái mà thất thoát rồi thì thuộc lĩnh vực phòng chống tham nhũng nhưng quá trình không thu hồi kịp, không thu hồi đủ thì gây lãng phí như thế nào? Quan trọng nhất muốn, quá trình tố tụng đó, điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là VKS với quá trình kiểm sát hoạt động tư pháp đó thì có vướng mắc bất cập gì với việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí hay không?

Trên cơ sở đó, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các cơ quan Tư pháp đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể với Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và giải quyết những bất cấp thuộc phạm vi quản lý của mình; cố gắng lượng hóa và có đánh giá khách quan về vấn đề nêu trên. 

Khắc Phục