Giải bài toán thiếu giáo viên: Không vì số lượng mà nới lỏng chất lượng

Cả nước hiện thiếu khoảng 100 nghìn giáo viên, chủ yếu ở các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như âm nhạc, mĩ thuật, tin học,... Trong năm học này, ngành giáo dục được bổ sung hơn 64 nghìn biên chế, đồng thời ngành chủ động đề xuất bỏ định mức giáo viên/lớp để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn này.

Trước đây, nhiều giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng nhưng chưa được tuyển dụng do ngành giáo dục chưa có biên chế. Hiện nay, khi ngành giáo dục đã được bổ sung biên chế thì gặp tình trạng khó tuyển dụng vì đang trong lộ trình nâng chuẩn. Luật giáo dục đại học 2019 quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Ông NGUYỄN HỮU ĐỘ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Cho nên giáo viên cấp THCS, giáo viên nhạc còn rất nhiều nhưng chúng ta lại không tuyển được. Hiện nay cung và cầu đang không phù hợp với nhau, cần phải Quốc hội cho phép có một nghị quyết để tháo gỡ khó khăn trong việc này. Các em được tuyển vào nhưng cam kết trong bao nhiêu năm nếu không đạt chuẩn trình độ đại học thì phải rút…”

Tuyển bổ sung giáo viên là cần thiết nhưng không thể vội vã, ồ ạt. Các đại biểu chia sẻ với khó khăn của ngành và những nỗ lực giải quyết hiện nay, tuy nhiên đề nghị không vì vậy mà nới lỏng chất lượng.

Ông ĐỖ CHÍ NGHĨA, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Đảng, Nhà nước quan tâm đến giáo dục và phân bổ chỉ tiêu như vậy thì chúng ta phải làm chất lượng, không thể ồ ạt được. Vì đằng sau câu chuyện số lượng nó chính là chất lượng. Quy định mà địa phương nào năm nay không tuyển đủ chỉ tiêu năm sau không phân bổ nữa thì Bộ nên cân nhắc, nếu không sẽ gây áp lực khiến địa phương tuyển không chất lượng.”

Bên cạnh củng cố lượng giáo viên bậc phổ thông, không thể bỏ qua giáo viên ở cấp học mầm non vốn cũng đang thiếu rất nhiều. Trước đề nghị thí điểm phổ cập mầm non 3,4 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thường trực Ủy ban cho rằng không nên gia tăng thêm áp lực về nguồn giáo viên.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Bây giờ mới phổ cập 5 tuổi thôi mà còn kêu thiếu trường thiếu lớp thiếu giáo viên. Đặt ra bài toán phổ cập mầm non 3, 4 tuổi nữa thì tiền đâu ra, giáo viên đâu ra. Lúc đó lại đặt ra bài toán kêu thiếu thì chúng tôi không thể cứ đi kêu với các đồng chí thế được.”

Cần chăm lo cho trẻ em nói riêng và người học nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, ngành giáo dục cần cân nhắc để có thứ tự ưu tiên đầu tư cũng như sử dụng chất lượng nhất có thể nguồn lực của mình.

Hồng Dũng