• 2152 lượt xem
  • 05:49 04/08/2022
  • Kinh tế

Giá xăng giảm, giá hàng hoá vẫn cao: Tạo áp lực lạm phát

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức thấp nhất đối với mặt hàng xăng dầu, tính đến nay, giá xăng đã 4 lần giảm giá liên tiếp. Tuy nhiên, có một nghịch lý, nhiều mặt hàng “ăn theo xăng dầu” tăng giá trước đây, nhưng đến nay lại “nằm im bất động”.

Hiện xuất hiện sự lo ngại về việc đã thiết lập một mặt bằng giá mới, tác động đến cuộc sống của người dân, gây khó khăn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% như Quốc hội giao. 

+ 13 nghìn đồng/1 mớ rau muống, tăng 5.000 - 7.000 đồng so với trước kia.
+ 60 nghìn đồng/1 kg hành lá, tăng gấp đôi 30.000 đồng.
+ 25 nghìn đồng/ 1 kg cà rốt.
+ 130-140 nghìn đồng/1 kg thịt ba chỉ.

Giá của những mặt hàng này được tăng gần như tức thì khi giá xăng dầu tăng tại thời điểm trước. Nhưng khi giá xăng dầu giảm, thì giá của những mặt hàng này lại “nằm im”. Có nhiều lý do được đưa ra, trong đó có lý do “không liên quan mấy đến xăng dầu”.

Bà TRẦN THỊ NHI, Tiểu thương: “Trước xăng tăng thì các mặt hàng này tăng lên 1 ít thế nhưng  cái chính là các mặt hàng này đắt là do thời tiết mưa nắng chứ không phụ thuộc nhiều.”

Bà PHẠM THỊ NGỌC HÀ, Tiểu thương chợ Đức Viên: “Nói chung rau cỏ không ảnh hưởng gì đến xăng cả, khách mua cứ kêu sao xăng giảm mà rau cỏ vẫn đắt thế, tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Nhập đắt thì bán đắt thôi. Bây giờ đang đắt gấp đôi so với bình thường.”

Bà CAO LAN HƯƠNG, Tiểu thương chợ Hôm: “Con lợn nó không phụ thuộc vào vận chuyển là mấy, nó ở chỗ người chăn nuôi chi phí cao, cám cao, chi phí dọc đường nên người ta bán cao nó không hẳn liên quan đến xăng dầu. Tuần trước ngày nào lợn cũng tăng giá, bây giờ có giảm nhưng vẫn giá cao, người buôn bán vẫn chịu sức ép từ giá cả, chợ ế, các nhà hàng đòi xuống  giá và người dân đắt thì mua ít đi."

Còn đối với những người nội trợ như bà Tạ Thị Mai, hy vọng về mức chi tiêu sẽ giảm khi giá xăng giảm nhiệt, đã không thành hiện thực. Ngược lại, có mặt vẫn hàng tiếp tục tăng giá.

Bà TẠ THỊ MAI, Lê Văn Hưu, thành phố Hà Nội: “Giá xăng giảm liên tiếp 4 lần nhưng 1 tháng qua đi chợ giá các mặt hàng vẫn không thay đổi, vẫn ở mức độ tăng như thế, một số cái còn tăng giá hơn như củ hành, cà rốt."

Không chỉ đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, giá cước vận tải cũng đang “đứng im” , cho dù xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào. Lý giải điều này, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng giai đoạn vừa qua ngành này đã bị ảnh hưởng lớn bởi xăng dầu tăng giá, nên nếu giảm giá vé thì việc cân đối tài chính của các đơn vị vận tải sẽ gặp khó khăn.

Ông LÊ XUÂN KHANH, Công ty vận tải xe khách Hoà Bình: “Lượng khách đi bây giờ hoạt động bây giờ, tính đến giờ phút này bọn anh vẫn là thua lỗ. Bây giờ một ngày một xe chỉ 5-6 người, lúc nào cao thì được 10 người. Khi giá xăng dầu tạm bình ổn thực ra để mà nói thì bọn anh chỉ đủ tiền chi trả nhiên liệu và lương công nhân trong ngày.”

Việc hàng hóa không chịu giảm theo chu kỳ giảm của giá xăng gây áp lực ngày một gia tăng lên lạm phát và đã bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy:Trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện tình trạng hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người dân, mà còn cản trở quá tình phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Diệu Huyền