• 5412 lượt xem
  • 03:56 19/06/2022
  • Kinh tế

Giá cả leo thang "ăn mòn" túi tiền người dân

Sự hiện hữu của lạm phát trong cuộc sống của người dân ngày một rõ ràng. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng từ 15 đến 20% trong thời gian vừa qua đang ngày một đè nặng lên cuộc sống của người dân nhất là những người có thu nhập thấp.

Với sự ảnh hưởng lan tỏa của giá xăng và sự tăng giá của nguyên vật liệu, chỉ số lạm phát được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm và để kìm hãm đà tăng của lạm phát thì việc quan trọng là phải khống chế được giá xăng dầu.

Sự hiện hữu của lạm phát trong cuộc sống của người dân ngày một rõ ràng. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng từ 15 đến 20% trong thời gian vừa qua đang ngày một đè nặng lên cuộc sống của người dân nhất là những người có thu nhập thấp. 

Chị PHẠM THỊ NGÀ, Tiểu thương chợ Nguyễn Phúc Lai: “Đổ 100 nghìn tiền xăng thì đi được 1 tuần nhưng bây giờ chỉ đi được 3 buổi, xăng đắt lên thì công vận chuyển cũng đắt lên… thu nhập bây giờ chỉ đủ sinh hoạt thôi còn không đủ dư ra để cho con ăn học.”

Lạm phát tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế còn chưa hồi phục hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp vừa quay trở lại hoạt động thì lại phải gồng mình xoay xở trước sự tăng giá của giá nhiên liệu và nguyên vật liệu. Để có thể duy trì hoạt động, doanh nghiệp buộc phải tăng giá hàng hóa dịch vụ và đứng trước rủi ro sụt giảm doanh thu do nhu cầu người dân giảm khi giá tăng. Nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát tuy nhiên kiến nghị giảm thuế với xăng dầu vẫn được cho là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn này. 

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Chính phủ cần phải nhanh chóng trình Quốc hội để có những hỗ trợ công cụ như giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt hay là thuế nhập khẩu, thuế VAT đối với mặt hàng này trong thời điểm khó khăn thách thức hiện nay, đến khi nó bình ổn rồi thì chúng ta có thể nới lại, chúng ta sẽ sử dụng lại các công cụ thuế đảm bảo được nguồn thu ngân sách.”

Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN: “Theo nhiều chuyên gia, mặt hàng xăng dầu trong điều kiện hiện nay không phải là 1 mặt hàng xa xỉ như thuốc lá rượu bia để áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng quan trọng hơn, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ linh hoạt hơn so với giảm thuế môi trường, bởi nó là thuế tương đối đánh trên giá trị của giá thế giới.”

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 3, các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội các biện pháp bình ổn giá mặt hàng này nhằm giảm gánh nặng của việc tăng giá hàng hóa lên cuộc sống người dân đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đang đề xuất lên Chính phủ phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Minh Chiến