2022: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam có thể tăng 13 - 15%

545 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020. Tiếp nối đà tăng khả quan này, trong năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hướng đến mục tiêu hơn 660 tỷ USD, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là mốc đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Mỹ, Trung Quốc, EU và ASEAN tiếp tục là các thị trường chủ lực của Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%, bao gồm: Điện thoại, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép và sắt thép. Bên cạnh đó, có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương, với việc ký hơn 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Chúng ta đã tận dụng rất tốt những ưu thế, những lợi thế từ các Hiệp định TMTD, nhất là TPP, EVFTA và các hiệp định song phương khác. Và các thị trường mà chúng ta đã ký đã có sự tăng trưởng rất cao, đặc biệt so với năm 2020.”

Các chuyên gia nhấn mạnh, xuất siêu những tháng cuối năm dự kiến đạt 2,1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Hoạt động thương mại được đánh giá sẽ phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực chung của các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Cố gắng đưa sản xuất trở lại, cố gắng làm sao không bị đứt gãy toàn bộ hệ thống sản xuất cũng như đứt gãy chuỗi xuất khẩu. Vấn đề thứ 3 là chúng ta tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp chúng ta đang xuất khẩu rất tốt cho các nước phương tây.”

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê: “Đây chính là điều kiện để tăng cường sức mạnh tổng hợp cũng như chia sẻ những kết quả hoặc nhân thêm giá trị của cộng đồng trong việc chúng ta bù đắp cho nhau, cũng như nâng cao chuỗi giá trị trong nước để đưa ra ngoài thế giới.”

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, biến chủng Omicron đang lây lan với tốc độ “chưa từng thấy”, do đó Quốc hội và Chính phủ đang bàn thảo việc xây dựng và chuẩn bị thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chính vì thế, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi cần tập trung vào nhiều nhóm giải pháp cụ thể, trong đó việc khôi phục sản xuất từ đó thúc đẩy xuất nhập khẩu được coi là 1 trong những trọng tâm được đẩy mạnh.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: “Liên quan đến việc đánh giá tác động của chương trình này đối với tăng trưởng việc làm thu nhập rồi đánh giá cả những cơ chế để mà thực hiện gọi là những điểm nghẽn để mà thực hiện chương trình này, và Quốc Hội cuối năm nay sẽ có một kỳ họp đặc biệt để xử lý những vấn đề này đồng thời trong thực hiện cũng có những đánh giá rủi ro.”

Cũng theo nhiều dự báo được đưa ra, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13 - 15%, với sự phục hồi xuất khẩu vượt trội. Do đó, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu hơn nữa, đặc biệt là các thị trường ghi nhận thương mại song phương hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm./.