• 2340 lượt xem
  • 05:35 02/05/2022
  • Văn hóa

Du lịch di sản - thách thức từ bài toán kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc

Việt Nam có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều là một kho tàng di sản mang sắc thái riêng và hết sức quý báu. Các nền văn hoá ấy được chung đúc để tạo nên sự phong phú đa dạng của nền văn hoá đậm đà bản sắc Việt Nam và là bộ phận quan trọng của di sản văn hoá nhân loại. Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc thiểu số là việc cần phải đẩy mạnh và du lịch di sản là một giải pháp nhưng cần tính toán.

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Mường ở Hoà Bình cũng như ở các vùng khác, đó chính là hệ thống và kiến trúc nhà sàn. Vì thế giữ được ngôi nhà gần như nguyên gốc đến tận bây giờ là niềm tự hào của gia đình ông Đinh Công Lon đối với du khách gần xa.

Ông ĐINH CÔNG LON, Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình:Mình muốn thế nào thì muốn cũng phải giữ được cái nhà sàn, hết đời mình con cháu nữa, không muốn phai mờ nhà sàn. Phai mờ nhà sàn là như là mất gốc của dân tộc Mường mình rồi.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng đau đáu việc phải giữ bằng được nếp nhà sàn như ông Công Lon. Hiện nay, tại ngôi làng cổ xưa nhất vùng Mường Bi để phục vụ nhu cầu khách du lịch, không ít nhà sàn truyền thống đã bị bê tông hóa.

Bà BÙI THỊ PHƯỢNG, Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình: “Nhà bêtông chẳng hạn 300 triệu đồng thì nhà gỗ phải 400-500 triệu đồng đấy. Cây cối bây giờ khó khăn nên mình mới phải làm bêtông, nhà sàn gỗ thì về văn hóa vẫn hơn rồi.”

Ông BÙI VĂN KHẨN, Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình:Khách Tây đi ọp ẹp kêu, người trên ăn, dưới không hợp lý nên chuyển sang đổ bêtông.

Bảo tồn các làng văn hoá cổ cũng như bảo tồn các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khác để hướng đến du lịch di sản là một trong những giải pháp để bảo tồn văn hoá, đặc biệt là văn hoá các dân tộc thiểu số, giúp đồng bào xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch di sản có thể dẫn đến các làng bản tái phục dựng hay là chính vì đáp ứng nhu cầu của du khách hoặc các nguyên nhân khác nữa mà văn hoá từ hàng ngàn đời nay đang bị biến đổi và mai một.

PGS.TS NGUYỄN DUY THIỆU, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:Mục đích của du lịch là có tiền ngay và người ta làm mọi thứ để đáp ứng nhu cầu của khách, còn mục đích bảo tồn sẽ nhẹ đi. Đáng lẽ họ phải trích một nguồn vốn để bảo tồn thì lại không trích do cuộc sống của họ vẫn còn đói nghèo, khó khăn. Nếu không quản lý tốt, phần nào đấy hoạt động du lịch thì sẽ làm giá trị văn hoá của đồng bào mai một đi.”

Ông CHU TUẤN THANH, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi: "Khi đưa vào tour du lịch thì không thể tránh được sẽ làm mai một văn hoá, do nhận thức hiểu biết chưa cao nên bị thương mại hoá, họ lợi dụng văn hoá dân tộc để thành kinh doanh, đặc biệt là lớp trẻ biểu hiện rất rõ, cũng lo là nếu thái quá thì bản sắc dân tộc bị méo mó, họ cách tân đi nên cần phải có biện pháp để tuyên truyền. Chúng ta phải có biện pháp đào tạo, tìm bố trí cán bộ tại chỗ phải hiểu sâu sắc văn hoá và phải tự tôn dân tộc mình."

Du lịch di sản bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn có tác động không tốt đến việc bảo tồn di sản, sự tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng cũng là một trong những thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số,  tuy nhiên nếu được triển khai một cách bài bản và đi đúng hướng thì rõ ràng vẫn là một lựa chọn khả dĩ cho việc phát huy giá trị di sản.  Cần phải có các giải pháp đồng bộ và phải xác định rõ là không đánh đổi di sản để lấy lợi ích kinh tế.

Phan Xanh