Dự kiến ngân sách đảm bảo cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Trong bối cảnh kinh nhiều khó khăn, Quốc hội, Chính phủ phải triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, việc điều hành ngân sách nhà nước vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Đáng chú ý, với dự kiến thu - chi ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 được Chính phủ trình Quốc hội chiều nay 24/10. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ước thu NSNN năm 2023 đạt dự toán. Nếu tính cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, thu NSNN cả năm ước tăng khoảng 4,6% so dự toán, là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, với dự toán thu NSNN năm sau tăng 5% so với năm nay, cùng với việc sử dụng 1 phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến Nhà nước đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần đánh giá tổng thể về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực nửa sau nhiệm kỳ, dự báo đến 2030 để bảo đảm tính khả thi, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27 của Trung ương.

Về dự toán thu năm sau, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận định thu ngân sách vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro, thiếu bền vững khi phụ thuộc lớn vào các khoản thu từ đất, vốn còn nhiều bấp bênh.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam