Định vị, lan tỏa giá trị từ làng nghề truyền thống

Nhằm gìn giữ, bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam. Trong đó, lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa cho các địa phương khác trên cả nước. Mới đây, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và UBND thành phố Hà Nội tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Đây được xem là sự kiện lớn chưa từng có với kỳ vọng lan tỏa những giá trị tốt đẹp; đồng thời quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về các làng nghề truyền thống Việt Nam.

Hà Nội thế kỷ trước, làng Phùng Xá được mệnh danh là “Thủ phủ dâu tằm”. Tuy nhiên, với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thời kỳ hoàng kim ấy đã không kéo dài được lâu. Với lòng yêu nghề, muốn giữ nghề cho con cháu, các nghệ nhân đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu nhằm hồi sinh làng nghề truyền thống quê hương.

Nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững làng nghề truyền thống, Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử và người dân thôn Thuỵ Ứng luôn nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường. Ứng dụng phương pháp sản xuất lược sừng sạch hơn, giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hàng nghìn làng nghề truyền thống trải khắp đất nước; hay những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội những năm qua. Mỗi làng nghề đều gắn với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề; lan toả những nét đẹp, giá trị tích cực đến với cộng đồng; cùng bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang -

Công Kiên