Định mức xe ô tô phải căn cứ vào diện tích của từng địa phương

Sáng 23/9, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương về dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô thay thế Nghị định số 04 năm 2019 của Chính phủ. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung trên nguyên tắc bố trí xe ô tô phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phạm vi công tác của từng cơ quan đơn vị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự thảo nghị định căn cứ vào bộ máy cán bộ công chức, viên chức của từng đơn vị và căn cứ vào diện tích, địa hình của từng địa phương để đưa ra quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô một cách hợp lý.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Có những tỉnh rất rộng như Sơn La, Đăk Nông Nghệ An, Thanh Hóa…toàn đường gập ghềnh, diện tích của một huyện có khi bằng 4 lần của một tỉnh, như vậy thì có tăng số lượng ô tô lên không? Ở đây là để phục vụ công tác, ô tô sử dụng cho việc đến địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, hay thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, việc tính định mức sử dụng xe ngoài việc áp dụng việc tính bình quân chung sẽ xét đến tính đặc thù."

Để đảm bảo an toàn cho xe và người sử dụng xe, dự thảo nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1,3 tỷ đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1,6 tỷ đồng/xe.

Quy định mức giá này là chưa có các chi phí kèm theo như phí đăng ký, phí biển số xe…

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với quy định các bộ, ngành, địa phương được xem xét, quyết định giá mua ô tô cao hơn không quá 10% so với mức giá quy định là để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Trong phạm vi số lượng, mức giá, tăng giá 10% thì các bộ, ngành, địa phương quyết. Còn với mức giá cao hơn, hay ngoài phạm vi quy định… thì các bộ, ngành, đia phương mới đề nghị với Bộ Tài chính.

Thanh Nga