Điều gì sẽ xảy ra khi nạp nhiều đồ uống có đường vào cơ thể?

Thói quen sử dụng đồ uống có đường đang là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm ở nước ta trong những năm gần đây. Nhất là những loại nước ngọt có thành phần đường khá cao, được sản xuất dưới dạng đóng lon, đóng chai và đóng hộp nhập khẩu vào Việt Nam, người tiêu dùng dễ mua và dễ sử dụng. Theo các chuyên gia, việc sử dụng đồ uống có đường quá ngưỡng cho phép sẽ không có lợi cho sức khỏe ở cả trẻ em và người lớn.

Đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống chứa đường tự do như nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây, nước, sữa pha chế hương liệu; nước tăng lực; trà, café pha sẵn,… Theo điều tra, phân tích của các chuyên gia viện Dinh dưỡng Quốc gia, thường trong một lon nước ngọt khoảng 330ml bán ở thị trường Việt Nam có chứa khoảng 35g đường. Nếu trẻ thường xuyên uống mỗi ngày, nguy cơ béo phì và dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe nhiều hơn với trẻ ít sử dụng.

Đáng lưu ý, sử dụng đồ uống có đường hàng ngày, trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về nội tiết ở người lớn, nhất là bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh gút, mỡ bụng, bệnh tim mạch.

Mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nếu như năm 2002, trung bình mỗi người chỉ dùng 6,04lit/năm thì năm 2022 đã tăng lên hơn 50,78lít/năm. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm cũng tăng cao và đáng báo động. Bộ Y tế cũng đã đưa ra đề xuất bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, các loại đồ uống có đường nên được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả, kinh tế nhất và mang lại lợi ích sức khỏe cho người dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Tiến Dũng -

Khánh Hoàng