Điện Biên: Hàng trăm giáo viên bỏ việc hoặc chuyển công tác

Tiếp tục chuyên đề khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Nhiều khó khăn đối với giáo viên vùng cao được nêu ra tại hội nghị, trong đó có tình trạng giáo viên bỏ việc hoặc thuyên chuyển công tác.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điên Biên đã nêu ra nhiều vướng mắc, bất cập về đời sống của giáo viên vùng cao khiến năm học vừa qua địa phương này có 67 trường hợp bỏ việc; 119 trường hợp chuyển sang làm những ngành nghề khác; nguyên nhân chính vẫn là chính sách, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp trong khi áp lực công việc và đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hiện nay đang có chung thực trạng là thiếu giáo viên khối ngoại ngữ, tin học, âm nhạc... Chủ trương sáp nhập trường lớp khiến nhiều trường bị quá tải, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn nhưng mỗi lần tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn giáo viên phải tự túc kinh phí đi lại.

Nhiều giáo viên vẫn phải đứng lớp 2 buổi/ ngày nhưng vẫn không được hưởng chế độ phụ cấp. Chưa có quy định về thời gian nhà giáo được luân chuyển công tác, nhất là chuyển từ vùng đặc biệt khó khăn về công tác gần nhà, hoặc về vùng trung tâm; Có những nhà giáo nữ từ khi nhận nhiệm vụ đến khi về hưu vẫn không được chuyển về gần nhà. Thậm chí, chế độ khác như nghỉ thai sản, nghỉ ốm đau cũng còn nhiều bất cập.

Về hệ thống pháp luật quy định về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như các chế độ chính sách đối với nghề giáo hiện nay đang bị chồng chéo. Theo thống kê, hiện có khoảng 220 văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo. Trong đó, gần 200 văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục, tuyển dụng, sử dụng, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Điều này khiến việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Đoàn công tác của Quốc hội đã ghi nhận và cho rằng đây là những ý kiến sát thực với tình hình thực tiễn của địa phương và giúp ích rất nhiều cho quá trình xây dựng Luật Nhà giáo mà Quốc hội đang tổ chức triển khai.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Hoàng Hà -

Sơn Nam