Điểm báo quốc tế trưa ngày 26/03: Châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga

Châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga; Hai tờ báo lớn ở Sri Lanka dừng xuất bản vì thiếu giấy in; Cuộc đua tìm thuốc điều trị hội chứng Covid kéo dài; Malaysia: Không tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ không được chứng nhận tiêm chủng; Lần đầu tiên tìm thấy vi nhựa trong máu người... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trưa ngày 26/03/2022.

CHÂU ÂU NỖ LỰC GIẢM PHỤ THUỘC VÀO NĂNG LƯỢNG TỪ NGA
Một thông tin đáng chú ý được báo chí quốc tế quan tâm đăng tải là việc Mỹ và Liên minh châu  u (EU) vừa đạt được thỏa thuận lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), theo đó Mỹ sẽ cung cấp cho EU ít nhất 15 tỷ mét khối nhiên liệu bổ sung - hay khí tự nhiên hóa lỏng vào cuối năm nay. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của châu  u vào nguồn năng lượng từ Nga, trong bối cảnh sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu khí đốt của EU, trong khi khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu Âu. 
Ngay trên tiêu đề bài viết, báo The Guardian gọi thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và EU là một thỏa thuận mang tính “dấu mốc”, là “bước ngoặt” nhằm phá vỡ sự nắm giữ của Nga trong vấn đề năng lượng với châu  u. 
Bài viết dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu  u Ursula von der Leyen cho biết: Lượng khí tự nhiên hóa lỏng được cung cấp bởi Mỹ sẽ thay thế 1/3 lượng khí đốt từ Nga. Và EU đang trong quá trình đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, hướng tới các bạn bè và đối tác khác ngoài Nga, những nhà cung cấp đáng tin cậy. Cũng theo bà von der Leyen: “EU đặt mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và dần loại bỏ nó.”

Cụ thể, EU bày tỏ hy vọng sẽ giảm 2/3 nhập khẩu năng lượng từ Nga vào cuối năm nay. Để làm được điều này, bên cạnh thỏa thuận vừa đạt được từ Mỹ - có thể được coi là sự hỗ trợ trong ngắn hạn, về lâu dài, EU đặt mục tiêu thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, từ đó dự kiến giúp cắt giảm 20 tỷ mét khối nhu cầu khí đốt. 

Tuy nhiên, chặng đường đối với EU là không hề dễ dàng. Reuters trích dẫn nhận định của một nhà phân tích về khí tự nhiên hóa lỏng cho rằng: lượng nhiên liệu bổ sung được Mỹ gửi đến châu  u nhiều khả năng được điều chuyển từ lượng nhiên liệu mà Mỹ lẽ ra sẽ xuất khẩu đến các khu vực khác trên thế giới, tức là thỏa thuận giữa Mỹ và EU liên quan đến việc điều hướng nguồn cung hiện tại hơn là sản xuất mới. Và việc điều hướng này có thể sẽ khiến giá khí đốt tại châu  u tăng cao hơn, do châu  u cần xây dựng cơ sở hạ tầng mới để tiếp nhận nhiên liệu từ các tàu hàng của Mỹ. 

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Ngân hàng ING nhận định, 15 tỷ mét khối nhiên liệu do Mỹ cung cấp không đủ khả năng thay thế lượng khí đốt mà châu  u nhập khẩu từ Nga, vốn lên tới 155 tỷ mét khối trong năm 2021./.

HAI TỜ BÁO LỚN Ở SRI LANKA DỪNG XUẤT BẢN VÌ THIẾU GIẤY IN 

Hai tờ báo lớn ở Sri Lanka đã phải tạm dừng phát hành vì thiếu giấy – một thiệt hại mới nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại đảo quốc này. Thông tin từ Al Jazeera. 

Theo bài viết, chủ sở hữu báo tư nhân Upali Newspapers cho biết đã phải dừng xuất bản nhật báo tiếng Anh mang tên “The Island” và phiên bản tiếng địa phương “Divaina” vì khan hiếm giấy in. Hai tờ báo này tạm thời chỉ phát hành trực tuyến. Một số tờ báo quốc gia chính tại Sri Lanka cũng đã buộc phải cắt giảm số trang, sau khi chi phí đội giá hơn 30% trong vòng 5 tháng qua, do khó khăn từ nguồn cung nước ngoài. Tuần trước, kì thi đối với khoảng 3 triệu học sinh tại quốc gia này đã bị hoãn lại do không thể đảm bảo được nguồn cung giấy và mực viết. Bài viết nhận định, quốc gia Nam Á với 22 triệu dân này đang phải đối mặt với đợt suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948 do kho dự trữ ngoại hối đã cạn đáy.

CUỘC ĐUA TÌM THUỐC ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG COVID KÉO DÀI

Sau khi sản xuất thành công vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong thời gian ngắn kỷ lục, giờ đây, các nhà nghiên cứu và các hãng dược phẩm trên thế giới đang chuyển hướng sang tìm phương pháp điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài. Thông tin trên báo Japan Times.

Các nhà sản xuất thuốc lớn trên thế giới, bao gồm những hãng sáng chế thành công thuốc kháng virus và kháng thể đơn dòng đối với COVID-19, đã thảo luận bước đầu với các nhà nghiên cứu nhằm đạt được mục tiêu điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài. Một số cái tên được kể đến bao gồm GlaxoSmithKline, Vir Biotechnology và Humanigen. Hãng dược phẩm Pfizer và Roche bày tỏ sự quan tâm song không tiết lộ chi tiết kế hoạch. Theo WHO, hơn 100 triệu người trên toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 kéo dài, với hơn 200 triệu chứng khác nhau bao gồm mệt mỏi, đau ngực, sương mù não, kéo dài hơn 3 tháng sau khi xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tại Mỹ, ước tính cứ 7 bệnh nhân ở độ tuổi lao động lại có một người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài./

MALAYSIA: KHÔNG TIÊM MŨI VACCINE TĂNG CƯỜNG SẼ KHÔNG ĐƯỢC CHỨNG NHẬN TIÊM CHỦNG

Theo thông báo mới nhất của Bộ trưởng Y tế Malaysia, nếu không tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường trước ngày 1/4 tới, khoảng 2 triệu người dân nước này sẽ không được chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ, đồng nghĩa với việc không thể đi du lịch nước ngoài.

Báo The Straits Time dẫn lời Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết, khoảng 2,09 triệu người tại Malaysia đã tiêm liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 Sinovac, tuy nhiên chưa tiêm mũi tăng cường. Những người này sẽ không được công nhận là đã tiêm chủng đầy đủ vaccine nếu không tiêm mũi thứ 3 trước thời hạn 1 tháng 4 tới. Nếu không tiêm mũi tăng cường, những đối tượng này cũng không được công nhận là đã tiêm phòng đầy đủ bởi quốc gia láng giềng Singapore, đồng nghĩa với việc không thể nhập cảnh vào nước này. Hiện Malaysia vẫn duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức trên 20.000 ca./.