Điểm tin quốc tế sáng 5/4: Indonesia đứng đầu thế giới về sở hữu tiền điện tử

Nga hạn chế thị thực đối với công dân các quốc gia “không thân thiện”; Thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lương thực; Iran: Mỹ chịu trách nhiệm về việc tạm dừng các cuộc đàm phán hạt nhân; Indonesia đứng đầu thế giới về sở hữu tiền điện tử; Các phi hành gia tư nhân đầu tiên sẽ lên trạm ISS vào ngày 6.4 ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 5/4/2022.

Nga hạn chế thị thực đối với công dân các quốc gia “không thân thiện”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc hạn chế thị thực đối với công dân của các quốc gia mà Moskva xem là "không thân thiện" để đáp trả lệnh trừng phạt liên quan vấn đề Ukraine.

Sắc lệnh có hiệu lực ngày 4/4, theo đó sẽ đình chỉ chế độ cấp thị thực đơn giản hóa của Nga đối với một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Na Uy, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Iceland. 

Kể từ ngày 24/2 vừa qua sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Moskva đã đáp trả bằng một số biện pháp như ngừng xuất khẩu lương thực tới các quốc gia "không thân thiện". Trước đó, ngày 31/3, Nga cũng quy định thanh toán bằng đồng ruble với các hợp đồng chuyển khí đốt sang các nước "không thân thiện" bắt đầu từ ngày 1/4.

Thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lương thực

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, một số quốc gia đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng như Haiti, Yemen. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho rằng thế giới sẽ nhận thấy rõ quy mô thực sự của vấn đề này vào mùa Thu.

Chuyên gia cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực “nghiêm trọng chưa từng có” đang đến gần, khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, khiến vụ Xuân ở Ukraine có thể bị gián đoạn và Nga hạn chế xuất khẩu. Hiện chưa có quốc gia nào có thể bù đắp được xuất khẩu lúa mỳ của Nga và Ukraine, vốn chiếm 1/3 nguồn cung trên toàn cầu. Điều này khiến việc tìm kiếm nguồn cung lương thực có nguy cơ trở thành vấn đề chính trên thế giới trong một năm tới. Các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp ngũ cốc từ Nga và Ukraine. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây cũng gặp khó khăn. Khó khăn về hậu cần trên biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan, khiến Ukraine chỉ có thể xuất sang châu Âu 600.000 tấn ngũ cốc/tháng, thay vì 5 triệu tấn ngũ cốc/tháng như trước đây. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu lúa mỳ từ Nga và Ukraine sẽ giảm 7 triệu tấn, tức là giảm 12% so với mùa trước. Lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá ngũ cốc vào giữa tháng 3 lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Iran: Mỹ chịu trách nhiệm về việc tạm dừng các cuộc đàm phán hạt nhân

Mỹ chịu trách nhiệm về việc tạm dừng các cuộc đàm phán giữa Tehran và các cường quốc thế giới tại Viên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đó là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh.

Ông Saeed Khatibzadeh cho biết Iran sẽ chỉ quay trở lại Vienna (Áo) để hoàn tất một thỏa thuận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc thế giới, hay Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, Iran cho biết vẫn còn những vấn đề còn tồn đọng đang chờ Washington giải quyết. 

Ông SAEED KHATIBZADEH, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran: “Chúng ta đang ở thời điểm mà Hoa Kỳ phải quyết định xem họ muốn duy trì di sản của cựu tổng thống Trump giống như họ đã làm cho đến nay, hay họ muốn hoạt động như một chính phủ chịu trách nhiệm một nửa — nếu không phải là một chính phủ hoàn toàn chịu trách nhiệm — và có thỏa thuận xảy ra. Toàn bộ thỏa thuận đang chờ quyết định chính trị của Washington. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều tuần rồi.” 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh Washington nên đưa ra quyết định chính trị để hồi sinh thỏa thuận, đồng thời khẳng định Tehran sẽ "không chờ đợi mãi" để khôi phục thỏa thuận. Trong số các bất đồng hiện nay có việc Iran đang yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) ra khỏi danh sách "các tổ chức khủng bố" của Washington. Mỹ đã phản đối yêu cầu này.

Indonesia đứng đầu thế giới về sở hữu tiền điện tử

Theo một nghiên cứu được sàn giao dịch tiền điện tử Gemini công bố ngày 4/4, Indonesia đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu tài sản tiền điện tử trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trong nước xem tài sản kỹ thuật số như một biện pháp bảo vệ chống lạm phát trong tương lai. 

Nghiên cứu trên cho thấy 41% người Indonesia từ 18 đến 75 tuổi với mức thu nhập hơn 14.000 USD mỗi năm đang sở hữu các loại tài sản tiền điện tử. Trong số 20 quốc gia được Gemini khảo sát, Indonesia được xếp ngang hàng với Brazil. Nhiều nhà đầu tư Indonesia đang coi tiền điện tử như một biện pháp phòng ngừa lạm phát bởi từ lâu đã có quan niệm rằng Bitcoin hoạt động như một loại 'vàng kỹ thuật số.' Nếu giá trị của Bitcoin, hoặc bất kỳ loại tiền điện tử nào khác, tăng theo thời gian, điều này sẽ bảo vệ sức mua suy giảm của một loại tiền tệ do bị mất giá.” Nghiên cứu của Gemini cũng cho thấy 61% người Indonesia đồng ý với quan điểm rằng tiền điện tử là “tương lai của tiền tệ,” cao hơn nhiều so với mức 23% ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp và Đức. Chính phủ Indonesia cũng đã quyết định tận dụng sự phát triển của tiền tệ kỹ thuật số như một phần của chiến lược lớn hơn nhằm chuyển đổi nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia.

Các phi hành gia tư nhân đầu tiên sẽ lên trạm ISS vào ngày 6.4

NASA và các đối tác quốc tế đã phê duyệt phi hành đoàn cho sứ mệnh đầu tiên đưa phi hành gia tư nhân của Axiom Space tới Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Khi thời tiết cho phép, nhóm 4 người của Axiom sẽ cất cánh vào thứ Tư (6 tháng 4) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ trở nên bận rộn hơn thường lệ trong tuần này khi phi hành đoàn của trạm chào đón bốn đồng nghiệp mới từ công ty khởi nghiệp Axiom Space có trụ sở tại Houston, nhóm phi hành gia hoàn toàn tư nhân đầu tiên bay vào quỹ đạo.  
Vụ phóng đang được Axiom, NASA và các công ty trong ngành khác ca ngợi là một bước ngoặt trong việc mở rộng mới nhất của các dự án không gian thương mại được những người trong cuộc gọi chung là nền kinh tế quỹ đạo Trái đất thấp, hay "nền kinh tế LEO". Nếu mọi việc suôn sẻ, bộ tứ do phi hành gia đã nghỉ hưu của NASA Michael Lopez-Alegria dẫn đầu sẽ đến trạm vũ trụ 28 giờ. 

Ông KAM GHAFFARIAN, Đồng sáng lập và chủ tịch điều hành của Axiom: “Đó là sự khởi đầu của nhiều khởi đầu cho việc thương mại hóa quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Chúng tôi giống như những ngày đầu của internet, và chúng tôi thậm chí còn chưa hình dung ra tất cả các khả năng, tất cả các khả năng mà chúng tôi sẽ cung cấp trong không gian."

Phi hành đoàn của Axiom sẽ mang theo thiết bị và vật tư cho 26 thí nghiệm khoa học và công nghệ được tiến hành trước khi chúng được dự kiến rời quỹ đạo và quay trở lại Trái đất 10 ngày sau khi phóng. Chúng bao gồm nghiên cứu về sức khỏe não bộ, tế bào gốc tim, ung thư và lão hóa cũng như trình diễn công nghệ sản xuất quang học bằng cách sử dụng sức căng bề mặt của chất lỏng trong điều kiện không trọng lực.

Vân Hương