Điểm báo sáng 13/8: Vaccine ngừa cúm A khan hiếm

Vaccine ngừa cúm A khan hiếm do người dân đổ xô đi tiêm; Để hộ khẩu không làm khó học sinh; Trung tâm đào tạo lái xe lo đóng cửa nếu đổi tên; Đã đến thời điểm nới “room” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 13/8/2022.

VACCINE NGỪA CÚM A KHAN HIẾM DO NGƯỜI DÂN ĐỔ XÔ ĐI TIÊM

Khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng người dân đến tiêm vaccine phòng cúm mùa tăng  300-400% so với tháng trước. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm có vaccine phòng bệnh, nhưng hiện nay, do người dân đổ xô đi tiêm vaccine phòng cúm khiến nhiều trung tâm tiêm chủng thiếu vaccine. Bài viết trên báo Đại đoàn kết. 

Báo đại đoàn kết trích dẫn khuyến cáo của các chuyên gia y tế, Cúm mùa cần được tiêm phòng hàng năm vì sau một năm tiêm, kháng thể sẽ dần ít đi. Tuy nhiên, vaccine vào cơ thể cần có thời gian để sản sinh miễn dịch. Vì vậy, người dân cần tiêm phòng cúm sớm, không nên đợi tới khi dịch bùng phát mới đổ xô đi tiêm chủng dẫn tới khan hiếm vaccine. Hiện nay giá vaccine cúm không tăng so với thời điểm chưa “sốt”, tuy nhiên nguồn cung khan hiếm nên nhiều người phải đi tới 3-4 nơi mới tiêm được. 

ĐỂ HỘ KHẨU KHÔNG LÀM KHÓ HỌC SINH

Nhân phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, rằng không thể vì hộ khẩu mà trẻ không được đến trường, câu chuyện khó khăn chỗ học lại được gợi ra vào thời điểm cận kề năm học mới. “Để hộ khẩu không làm khó học sinh” – Bài viết trên báo Tuổi trẻ. 

Với ngành giáo dục, việc coi hộ khẩu là cơ sở để tiếp nhận học sinh đến lớp đang làm khó nhiều bậc phụ huynh, nhất là khi cơ quan chức năng chủ trương không cấp mới hộ khẩu trong lộ trình bỏ hẳn hộ khẩu giấy vào cuối năm nay. Báo Tuổi trẻ bình luận, việc thay đổi nơi cư trú do nhu cầu mưu sinh, di cư mà không kịp hoàn thiện hộ khẩu mới cũng đang ngăn trở con đường đến trường của không ít học sinh. Theo đó, Việc quản lý theo hộ khẩu đã là nếp của nhiều cơ quan công quyền. Phải quyết liệt “tấn công” vào quan niệm đó. 

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO LÁI XE LO ĐÓNG CỬA NẾU ĐỔI TÊN 

Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đang yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe phải đổi tên thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Báo giao thông đề cập, việc đổi tên hàng trăm trung tâm như vậy là không cần thiết, gây lãng phí.

Theo cơ quan này, căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp, từ ngày 1/7/2022, sẽ không có “trung tâm đào tạo lái xe”. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đào tạo lái xe là một lĩnh vực đào tạo mang đặc thù riêng biệt, mỗi cơ sở phải đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện theo quy định. Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe cho rằng, Nếu có đổi tên thì chỉ nên đổi tên với trung tâm mới thành lập. Bên cạnh những thủ tục tốn kém thì đổi tên còn làm mất đi giá trị vô hình về thương hiệu đào tạo của các đơn vị trên thị trường.

ĐÃ ĐẾN THỜI ĐIỂM NỚI “ROOM” ĐỂ HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 

Mới đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tương đối “rắn” trong điều hành tiền tệ, trong đó có vấn đề giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) ở mức 14%. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại đã kiến nghị về việc cần nới room lên 15 - 16% cho năm nay.

Đã đến thời điểm nới “room” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam. Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, Nửa cuối năm 2022 đã có những thay đổi so với nửa đầu năm.Trong đó, áp lực lạm phát đã giảm bớt. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cuối năm. Việc điều hành chính sách tiền tệ bằng “room” cũng có nhiều vấn đề còn tranh cãi, đặc biệt là nó mang tính chất hành chính, chủ quan, không có tiêu chí rõ ràng cho việc ngân hàng này được cấp nhiều “room”, ngân hàng khác thì được ít. Do đó cần hướng tới việc thực thi chính sách tiền tệ thông qua các công cụ thị trường hơn.

Thùy Trang