Điểm báo quốc tế 7/5: Mỹ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua tuyên bố kêu gọi hòa bình cho Ukraine; Mỹ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine; Phần lan có thể quyết định gia nhập NATO trong tháng 5; Nổ lớn tại la Habana, Cuba; Trung Quốc kiên định chính sách "Zero Covid-19" ... là những tin tức quốc tế đáng chủ ý trên các mặt báo trưa 7/5/2022.

HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC THÔNG QUA TUYÊN BỐ KÊU GỌI HÒA BÌNH CHO UKRAINE

Lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine. 

Thông qua tuyên bố chung, Hội đồng bảo an cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nỗ lực của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Các chuyến thăm Moscow và Kiev mới đây của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã mở đường cho hoạt động sơ tán người dân ra khỏi vùng chiến sự tại Ukraine.

Trang Al Jazeera trích dẫn tuyên bố của ông Guterres khẳng định: “Thế giới cần phải sát lại cùng nhau để chấm dứt tiếng súng và giữ vững những giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc”.

MỸ TIẾP TỤC HỖ TRỢ AN NINH CHO UKRAINE

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố gói hỗ trợ an ninh trị giá 150 triệu USD dành cho Ukraine, trong đó cung cấp bổ sung đạn pháo, radar và các thiết bị khác.

Đây là gói viện trợ quân sự thứ 9 của Mỹ cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát tại quốc gia này vào cuối tháng 2 vừa qua, nâng tổng giá trị viện trợ quân sự của Washington cho Kiev lên đến 3,8 tỷ USD. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã triển khai hơn 100.000 binh lính tới các quốc gia thành viên NATO.

PHẦN LAN CÓ THỂ QUYẾT ĐỊNH GIA NHẬP NATO TRONG THÁNG 5

Phần Lan có thể đưa ra quyết định về việc gia nhập NATO ngay trong tháng 5. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin trong bài phỏng vấn trên trang tin Nikkei Asia.

Việc gia nhập NATO sẽ mang đến thay đổi mang tính lịch sử đối với Phần Lan – quốc gia duy trì quy chế trung lập suốt nhiều thập kỷ qua. Cuộc phỏng vấn được tiến hành trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Phần Lan đến Nhật Bản. Dự kiến, bà Sanna Marin sẽ thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Kishida Fumio về tương lai quan hệ song phương, cũng như tình hình an ninh ở Châu Âu và Ukraine.

NỔ LỚN TẠI LA HABANA, CUBA

Đã có ít nhất 18 người thiệt mạng, trong đó có 1 phụ nữ mang thai và 1 trẻ em, hơn 60 nạn nhân bị thương và 13 người mất tích trong vụ nổ xảy ra hồi 10h50 sáng 6/5 (theo giờ địa phương) tại khách sạn 5 sao Saratoga - công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng ở trung tâm thủ đô La Habana, Cuba.

Báo The Independent của Anh đưa tin, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã bác bỏ những đồn đoán cho rằng vụ nổ nghiêm trọng vừa xảy ra là một vụ tấn công hay đánh bom. Kết quả điều tra sơ bộ cho rằng nguyên nhân vụ nổ có thể do rò rỉ khí gas.

TRUNG QUỐC KIÊN ĐỊNH CHÍNH SÁCH "ZERO COVID-19"

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng vẫn kiên định với chính sách Không Covid,  trong khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu thích nghi an toàn và sống chung với dịch. Các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và hạn chế di chuyển tại tâm dịch Thượng Hải hiện đang được xem là “phép thử” đối với chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc. Cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cho người dân và phục hồi nền kinh tế hiện đang là thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối mặt. 

Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 5/5 vừa qua đã tổ chức một cuộc họp để phân tích tình hình dịch Covid-19 và triển khai công tác phòng chống dịch. Báo Financial Times dẫn phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp, tái khẳng định cam kết với chiến lược Zero Covid, cho biết: “Các chính sách phòng ngừa và kiểm soát của chúng ta có thể chịu được thử thách của lịch sử. Các biện pháp của chúng ta là khoa học và hiệu quả. Chúng ta đã thắng trận chiến bảo vệ Vũ Hán và chúng ta cũng có thể thắng trận chiến bảo vệ Thượng Hải.”

Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, nới lỏng các biện pháp phòng dịch có thể dẫn đến số lượng lớn các ca nhiễm, các trường hợp nguy kịch và số ca tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như cuộc sống và sức khỏe con người. 

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, Financial Times dẫn ý kiến của một số chuyên gia y tế cho rằng, chính sách Zero Covid là cần thiết, vì nguồn lực hạn chế về y tế, nhiều người cao tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh nặng hơn và hàng chục triệu người chưa được tiêm chủng. Tốc độ tiêm chủng của Trung Quốc đã giảm từ 5 triệu liều/ngày xuống còn 1,5 triệu liều/ngày do phải dồn nhân lực cho các chiến dịch xét nghiệm hàng loạt. 

Phân tích về chính sách Zero Covid, bài viết trên báo The Guardian cũng cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường còn thấp, nguồn lực y tế có hạn tại  một số vùng miền khiến cho việc mở cửa trở nên “rủi ro” đối với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc gắn chặt với chính sách Zero Covid có khả năng gây tổn hại nặng nề, dự báo tình hình kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các biện pháp phong tỏa như tại Thượng Hải tiếp tục được triển khai. Nếu duy trì chế độ xét nghiệm hàng loạt 3 lần 1 tuần, dự báo, đến cuối năm nay, Trung Quốc sẽ tiêu tốn 257 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP năm 2021 của nước này.

Chính sách Zero Covid có còn phù hợp trong bối cảnh biến chủng Omicron cũng là câu hỏi đang được đặt ra.

Kim Ngọc