Điểm báo quốc tế ngày 21/6: Mỹ cân nhắc tạm dừng đánh thuế xăng dầu

Mỹ cân nhắc tạm dừng đánh thuế xăng dầu; Đức sẽ đóng cửa nhà máy điện than vào năm 2030; Canada tuyên chiến với đồ nhựa dùng một lần; Ứng dụng giúp phát hiện bệnh trầm cảm; Gian nan con đường gia nhập EU của Ukraine ... là những tin tức đáng chú ý trên mặt báo quốc tế ngày 21/6/2022.

MỸ CÂN NHẮC TẠM DỪNG ĐÁNH THUẾ XĂNG DẦU 

Hãng tin Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đưa ra quyết định về việc tạm ngừng đánh thuế xăng dầu vào cuối tuần này, trong bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới hiện đang đối mặt với giá  xăng dầu tăng vọt và lạm phát, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. 

Dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm bài viết cho hay, việc tạm dừng áp thuế xăng dầu liên bang là 1 trong số các lựa chọn được chính quyền Tổng thống Biden xem xét để kiểm soát lạm phát và giá xăng tăng cao. Hiện nhà chức trách đang làm việc với các công ty dầu khí để đưa ra câu trả lời cuối cùng. Bên cạnh đó, Reuters cho hay, tổng thống Biden cũng đang cân nhắc dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, để giảm lạm phát trong nước.

ĐỨC SẼ ĐÓNG CỬA NHÀ MÁY ĐIỆN THAN VÀO NĂM 2030

Chính phủ Đức tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục mục tiêu đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2030, dù rằng nước này đã phải chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch sau cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine. Tin trên tờ ABC News

Bộ Kinh tế Đức khẳng định, nước này kiên định với mục tiêu loại bỏ than đá vào năm 2030. Và điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh quyết định dựa vào nguồn nhiên liệu than đá của chính phủ sẽ tạo ra thêm nhiều khí thải CO2. Hồi cuối năm ngoái, các đảng trong liên minh Chính phủ Đức đã đạt được nhất trí về việc đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2030. Đây là mục tiêu tham vọng hơn so với chính phủ tiền nhiệm đưa ra là năm 2038.

CANADA TUYÊN CHIẾN VỚI ĐỒ NHỰA DÙNG MỘT LẦN 

Theo quyết định mới nhất vừa được đưa ra, chính phủ Canada sẽ cấm sản xuất và nhập khẩu hầu hết các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần kể từ tháng 12 tới. 

Theo Channel News Asia, lệnh cấm này sẽ áp dụng đối với các đồ nhựa sử dụng một lần, bao gồm túi ni-lông, dao dĩa nhựa, hộp đựng thực phẩm được làm từ nhựa hoặc chứa nhựa khó tái chế, và ống hút. Tuy nhiên, việc bán những sản phẩm này sẽ bị cấm từ tháng 12/2023, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Theo số liệu của chính phủ, có tới 15 tỷ túi ni long được sử dụng hàng năm và 16 triệu ống hút sử dụng hàng ngày ở Canada.

ỨNG DỤNG GIÚP PHÁT HIỆN BỆNH TRẦM CẢM

Bộ Sức khỏe Tâm thần Thái Lan và các đối tác vừa phát triển thành công một ứng dụng theo dõi sức khỏe tâm thần cá nhân, nhằm giúp việc phát hiện sớm bệnh trầm cảm.

Bangkok Post cho biết, ứng dụng này, có tên là DMIND và có thể tải xuống dễ dàng trên điện thoại thông minh. Hoạt động dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng có thể đánh giá sức khỏe tâm thần của người dùng, thông qua 3 cấp độ của các triệu chứng trầm cảm, được biểu thị dưới dạng màu sắc. Theo đó, màu xanh lá cây là bình thường, màu vàng là mức độ triệu chứng nhẹ, trong khi màu đỏ là các triệu chứng nghiêm trọng. Các nhân viên y tế sẽ nhận được yêu cầu tư vấn và theo dõi đối với trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng.

GIAN NAN CON ĐƯỜNG GIA NHẬP EU CỦA UKRAINE

Dự kiến trong ngày 23-24/6 sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ. Tại hội nghị, các thành viên EU dự kiến thảo luận về việc trao tư cách ứng viên cho Ukraine. Mặc dù Ủy ban Châu Âu (EC) ủng hộ Ukraine trở thành ứng viên gia nhập EU, tuy nhiên, con đường hội nhập của Ukraine vào Châu Âu được nhận định là còn rất nhiều chông gai khi vẫn có các nước thành viên không ủng hộ quốc gia này. Báo chí quốc tế đã có một số bài phân tích xung quanh vấn đề này. 

Trong bài phân tích với tiêu đề “Việc Ukraine gia nhập EU thực sự có ý nghĩa gì?”, trang mạng Al Jazzera nhận định, ngay cả khi được EU bật đèn xanh làm ứng viên, Ukraine vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường trở thành thành viên của khối. Quá trình đáp ứng đầy đủ điều kiện để trở thành thành viên EU sẽ mất nhiều năm, thậm chí là vài thập kỷ. 

Bài viết dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, tình hình xung đột và bất ổn càng khiến Ukraine khó đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu khắt khe của EU. Do đó, quá trình đàm phán sẽ diễn ra rất phức tạp và không ai có thể đảm bảo Ukraine chắc chắn sẽ trở thành thành viên EU. Bài viết lấy dẫn chứng về trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ - ví dụ thực tế cho con đường gian nan vào EU. Quốc gia này đã được chọn làm ứng viên vào năm 1999, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất đàm phán.

Cũng phân tích về vấn đề này, hãng tin Reuters nhận định, việc trở thành thành viên của EU đòi hỏi Ukraine phải tiến hành cải cách triệt để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tiêu chuẩn của EU về dân chủ và chống tham nhũng. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Ukraine được coi là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, xếp thứ 122/180. 

Trong khi đó, về phía EU, việc kết nạp thêm thành viên mới dường như đã bị đình trệ kể từ năm 2018, khi các quốc gia thành viên không thể thống nhất về việc trao quy chế ứng cử viên chính thức cho một số quốc gia. Hiện giới phân tích đang dồn sự chú ý vào Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào những ngày tới, chờ xem các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ đưa ra quyết định cuối cùng là gì? 

Đinh Giang