Điểm báo quốc tế 13/7: Anh công bố 8 ứng cử viên thay thế Thủ tướng Boris Johnson

Anh công bố 8 ứng cử viên thay thế Thủ tướng Boris Johnson; Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì đàm phán 4 bên về khủng hoảng ngũ cốc; Thái Lan áp dụng thiến hóa học với tội phạm tình dục; WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt; Châu Âu thường trực nỗi lo thiếu khí đốt... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo trưa ngày 13/7.

ANH CÔNG BỐ 8 ỨNG CỬ VIÊN THAY THẾ THỦ TƯỚNG BORIS JOHNSON

Chiều 12/7, (theo giờ địa phương), Nghị sĩ Graham Brady - Chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, đã công bố danh sách 8 ứng cử viên đủ điều kiện tham gia tranh cử cho vị trí thủ lĩnh đảng cầm quyền thay thế Thủ tướng Boris Johnson, đã tuyên bố từ chức vào ngày 7/7 vừa qua.

Theo báo The Guardian, các ứng cử viên bao gồm: Cựu Bộ trưởng Bình đẳng Kemi Badenoch ; Tổng chưởng lý Suella Braverman; Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc Y tế và Xã hội của Quốc hội Jeremy Hunt; Quốc vụ khanh Chính sách thương mại Bộ thương mại Penny Mordaunt; cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak; Ngoại trưởng Liz Truss; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tom Tugendhat; và Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi. Theo quy định, một loạt vòng bỏ phiếu sẽ được tổ chức cho đến khi còn hai ứng viên được các nghị sĩ Đảng bảo thủ lựa chọn. Vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra từ 13h30 đến 15h30 ngày hôm nay, kết quả sẽ được công bố cùng ngày.

THỔ NHĨ KỲ CHỦ TRÌ ĐÀM PHÁN 4 BÊN VỀ KHỦNG HOẢNG NGŨ CỐC

Al Jazeera đưa tin, vòng đàm phán mới giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ diễn ra tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 13/7.

Bài viết dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đàm phán 4 bên nhằm thảo luận biện pháp vận chuyển an toàn lượng ngũ cốc đang mắc kẹt tại các cảng của Ukraine đến thị trường quốc tế thông qua đường biển. Đàm phán diễn ra trong bối cảnh giá lương thực đạt mức cao kỷ lục trên toàn cầu do xung đột tại Ukraine, vốn là nhà cung cấp ngũ gốc lớn nhất trên thế giới.  

THÁI LAN ÁP DỤNG THIẾN HÓA HỌC VỚI TỘI PHẠM TÌNH DỤC

Các nhà lập pháp Thái Lan đã thông qua một dự luật cho phép các tội phạm tình dục lựa chọn hình phạt thiến hóa học, tức là tiêm thuốc làm giảm hàm lượng testosterone trong cơ thể, để rút ngắn thời gian thụ án trong tù.

Theo hãng tin Reuters, dự luật được Hạ viện Thái Lan thông qua hồi tháng 3 vừa qua đã vượt qua ải Thượng viện với 145 phiếu ủng hộ. Dự luật cần trải qua một cuộc bỏ phiếu nữa và cuối cùng là được Hoàng gia Thái Lan thông qua trước khi chính thức có hiệu lực. Nếu dự luật được thông qua, Thái Lan sẽ gia nhập nhóm nhỏ các nước áp dụng hình phạt thiến hóa học, trong đó có Ba Lan, Hàn Quốc, Nga, Estonia và một số bang của Mỹ. Theo dự luật, những kẻ phạm tội tình dục cũng sẽ bị lực lượng chức năng giám sát trong 10 năm và phải đeo vòng tay theo dõi điện tử. 

WHO CẢNH BÁO ĐẠI DỊCH COVID-19 CHƯA CHẤM DỨT

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 "chưa có dấu hiệu chấm dứt", đồng thời bày tỏ lo ngại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang "tự do lưu hành" trên thế giới.

France 24  dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc Covid-19 đã tăng 30% trong hai tuần qua, do hai biến thể phụ của Omicron và việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát. WHO khuyến nghị các nước triển khai các biện pháp đã được áp dụng như đeo khẩu trang, cải tạo hệ thống thông gió. Cũng theo người đứng đầu WHO, các xét nghiệm, phương pháp điều trị và việc tiêm vaccine chưa được triển khai hiệu quả.

CHÂU ÂU THƯỜNG TRỰC NỖI LO THIẾU KHÍ ĐỐT

Kể từ ngày 11/7 vừa qua, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã dừng vận hành để bảo trì. Theo đó dòng khí đốt qua đường ống này dự kiến ngừng trong 10 ngày. Tuy nhiên, Đức và như một số nước châu Âu lo ngại, Nga có thể kéo dài thời gian bảo trì để hạn chế nguồn cung khí đốt cho khu vực, thậm chí có thể khóa van Dòng chảy phương Bắc 1. Châu Âu đang phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt, có nguy cơ đóng băng toàn bộ các lĩnh vực trong nền kinh tế. Báo chí quốc tế đã có phân tích về vấn đề này. 

Trang Politico đăng tải bài viết với tiêu đề: “Cơn ác mộng Dòng chảy phương Bắc: Liệu Tổng thống Nga Putin có dừng cung cấp khí đốt tới châu Âu mãi mãi”.

Theo đó, các nhà phân tích bày tỏ quan ngại rằng, Nga có thể sẽ không tái khởi động đường ống quan trọng này sau thời gian bảo trì. Động thái này có thể đẩy các nền kinh tế như Đức vào khủng hoảng, khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng buộc phải giảm mức tiêu thụ. 

Bài viết dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, việc Nga dừng hoàn toàn cung cấp khí đốt tới châu Âu là “trường hợp dễ xảy ra nhất” và các nước cần “đặt mình vào thế trận ngay từ bây giờ.”

Dự kiến, vào ngày 20/7 tới, các quan chức Liên minh châu Âu sẽ công bố kế hoạch nhằm đảm bảo các nước có đủ khí đốt để vượt qua mùa đông. Theo Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu: Tình hình hiện nay là nghiêm trọng, và châu Âu cần chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ tình huống nào xảy ra.

Trước đó, EU đã đặt mục tiêu giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào cuối năm nay, nhận định điều này là “không dễ dàng nhưng khả thi”. Tuy nhiên, theo Politico, EU đã không đạt được mục tiêu này, khi cho tới ngày 16/6, khối này đã nhập khẩu lượng khí đốt từ Nga nhiều hơn mức dự kiến trong cả năm. 

Trong khi đó, hãng tin Reuters đã có bài tổng hợp về Hành động của châu Âu trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga ngừng hoạt động. 

Áo, quốc gia tiếp nhận khoảng 80% khí đốt từ Nga, đã kích hoạt bước đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn, yêu cầu các ngành công nghiệp vận hành dựa trên các nguồn năng lượng thay thế. 

Bulgaria, nước phụ thuộc 90% vào khí đốt từ Nga, đã đồng ý mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và tăng cường đàm phán với Azerbaijan để tăng cường cung cấp khí đốt. 

Đức, quốc gia với 55% nhu cầu khí đốt phụ thuộc vào Nga đã bước vào giai đoạn 2 của kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn. Đức sẽ cung cấp hạn mức tín dụng 15 tỷ euro (tương đương 15,8 tỷ USD) để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt. Nước này cũng đưa ra một mô hình đấu giá vào mùa hè để khuyến khích các nhà sản xuất công nghiệp sử dụng khí đốt tiết kiệm.

Kim Ngọc