Điểm báo: Phụ huynh chật vật “săn” trường cho con từ lớp 1

Chung cư Hà Nội giá hàng tỉ đồng, thiếu phòng cháy chữa cháy vẫn rao bán rầm rộ; Lỗ hổng của du lịch Việt; Lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng "kịch trần"; “Săn” trường cho con từ lớp 1... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 7/7.

CHUNG CƯ HÀ NỘI GIÁ HÀNG TỈ ĐỒNG, THIẾU PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VẪN RAO BÁN RẦM RỘ

Dù chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy thế nhưng nhiều căn hộ chung cư tại TP Hà Nội vẫn đang được rao bán với mức giá hàng tỉ đồng, thu hút sự quan tâm của người dân. Bài viết phản ánh trên báo Lao động.

Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) vào giữa tháng 5 đã công khai danh sách 160 cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, yêu cầu dừng hoạt động do vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy. Đáng nói, Nhiều cơ sở dù bị cơ quan chức năng xử phạt, đình chỉ nhưng chủ đầu tư vẫn “phớt lờ” đưa công trình vào sử dụng, hoạt động rầm rộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đe dọa tính mạng của người dân. Cũng theo bài viết, trong thời gian qua, Bộ Công an đã rà soát tất cả công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra 1,18 triệu cơ sở, còn khoảng 38.000 công trình đã đi vào hoạt động nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy.

LỖ HỔNG CỦA DU LỊCH VIỆT

Khách nước ngoài đến Việt Nam “tiền không thiếu, mỗi tội không biết tiêu gì”. Đây là nội dung được đề cập đến trong bài viết được đăng tải trên báo điện tử Vnxpress.

Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Trung bình một khách chi tiêu tại Việt Nam là 1.200 USD với thời gian ở trung bình hơn 9 ngày mỗi người. Tại Thái Lan, khách chi tiêu cao gấp đôi, đạt 2.400-2.500 USD với thời gian lưu trú tương đương. Đại diện một số công ty du lịch cho rằng, khách quốc tế không chi cho hoạt động vui chơi tại Việt Nam không phải không muốn mà có lẽ vì nước ta chưa có nhiều điểm giải trí thú vị. Thời gian qua nhiều địa phương đã quan tâm đến việc xây dựng, phát triển các phố đi bộ đêm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý nên những mô hình chưa mang lại hiệu quả cao.

LAO ĐỘNG NỘP HỒ SƠ HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP TĂNG "KỊCH TRẦN"

Lao động mất việc tăng, số người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội những tháng đầu năm tăng 36% so với cùng kỳ.

Theo thông tin trên báo điện tử Dân trí, Tính đến tháng 5, có gần 34.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 9.100 người so với cùng kỳ năm 2022. Người làm hồ sơ nhận trợ cấp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo…Theo Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

“SĂN” TRƯỜNG CHO CON TỪ LỚP 1

Vì kỳ vọng của bố mẹ muốn con có xuất phát điểm tốt hơn nên cuộc đua giành một suất vào lớp 1 trường điểm công lập hay các trường tư thục có tiếng ngày càng nóng, thậm chí mức độ khốc liệt tăng theo từng năm.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, Năm học 2023-2024, mặc dù ngành giáo dục Thủ đô đã đầu tư xây dựng phát triển hệ thống trường lớp, không để học sinh thiếu chỗ học ở những địa bàn đông dân cư song trên thực tế, những câu chuyện “vỡ trận” trong tuyển sinh lớp 1 vẫn xảy ra. Nguyên nhân có thể lý giải là do cung không đủ cầu. Còn với các ngôi trường điểm, thậm chí trẻ phải ôn thi để giành suất vào lớp 1 chứ không chỉ là học mỗi làm toán, tập đọc, tập viết. Dù chưa căng thẳng như luyện thi vào lớp 10 hay luyện thi tốt nghiệp THPT nhưng với những đứa trẻ còn đang ở độ tuổi mẫu giáo mới chập chững những bước đầu tiên vào con đường học tập, lịch học tập như vậy có thể dẫn tới quá sức với nhiều học sinh.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam