Điểm báo ngày 20/7: Xe buýt trợ giá: Làm sao để không vỡ tuyến?

Xe buýt trợ giá: Làm sao để không vỡ tuyến?; Tháo gỡ khó khăn về vốn ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; Bình Định: Nhiều nhân viên y tế bỏ việc, “khủng hoảng” mua sắm trang thiết bị; Du lịch Việt Nam "hụt hơi" trong cuộc đua hút khách quốc tế ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 20/7/2022.

XE BUÝT TRỢ GIÁ: LÀM SAO ĐỂ KHÔNG VỠ TUYẾN?

Việc Công ty TNHH Bắc Hà xin ngừng vận hành 5 tuyến buýt vừa qua là chưa từng có tiền lệ tại Hà Nội, đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Liệu đấu thầu, khai thác xe buýt được trợ giá là cơ hội để doanh nghiệp phát triển, xây dựng hình ảnh hay thành gánh nặng cho những đôi vai vụng về? Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị 

Theo Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội chia sẻ, việc xin ngừng cùng lúc 5 tuyến buýt không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn là một đòn nặng giáng vào thương hiệu của Công ty Bắc Hà. Xe buýt được trợ giá nhưng là trợ giá cho hành khách, tính toán chi trả trên mỗi chiếc vé bán ra. Xe buýt ngừng hoạt động, doanh thu ngoài bằng 0, tiền trợ giá cũng hụt đi, trong khi những chi phí không nhỏ nhằm duy trì bộ máy nhân sự, gốc lãi ngân hàng... vẫn phát sinh. Ngân hàng cho giãn nợ chứ không giảm nợ, sau dịch bệnh lại thu cấp tập, khiến doanh nghiệp vận tải điêu đứng. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích, khi mở thầu tuyến buýt trợ giá, cần yêu cầu các doanh nghiệp làm rõ nguồn lực dự phòng, kế hoạch duy trì hoạt động khi gặp khó khăn bất khả kháng, coi đó là một trong điều kiện cơ bản để tham gia đấu thầu. 

THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ VỐN ƯU ĐÃI CHO CHỦ ĐẦU TƯ DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại TPHCM bị chậm tiến độ trong quãng thời gian dài do năng lực tài chính của chủ đầu tư khiến người mua nhà khốn khổ. Bài viết phản ánh trên báo lao động. 

Hiện nay công tác phát triển nhà ở xã hội có một số khó khăn, vướng mắc như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đáng chú ý theo ông Nguyễn Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, một khó khăn lớn đó là nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà là chưa ổn định. 

BÌNH ĐỊNH: NHIỀU NHÂN VIÊN Y TẾ BỎ VIỆC, “KHỦNG HOẢNG” MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ

Từ đầu năm 2021 đến nay, có 62 viên chức, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập ở Bình Định xin thôi việc, bỏ việc, trong khi đó công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế gặp 'khủng hoảng về mặt pháp lý'. Bài viết phản ánh trên báo Thanh niên. 

Nguyên nhân chính dẫn đến viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (theo đơn) là do sức khỏe yếu, không đảm bảo trong công tác; Vì hoàn cảnh gia đình xảy ra biến cố, thu nhập thấp (lương thấp và thu nhập tăng thêm gần như không có) trong khi công việc luôn quá tải…Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay là do vướng mắc lớn nhất về mặt thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vật tư, trang thiết bị y tế có sự chồng chéo, lạc hậu. Có 6 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu trang thiết bị y tế phải sửa đổi theo quy trình rút gọn nhưng chưa biết khi nào thực hiện được.

DU LỊCH VIỆT NAM "HỤT HƠI" TRONG CUỘC ĐUA HÚT KHÁCH QUỐC TẾ

Sau 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh tại Đông Nam Á.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, Trong cuộc đua giữa các nước Đông Nam Á để thu hút khách quốc tế trở lại sau Covid-19, du lịch Việt Nam dường như đang "hụt hơi" và bị các điểm đến trong khu vực bỏ lại khá xa. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón hơn 413.000 lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2022. Như vậy sau 6 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 10% kế hoạch năm; và mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022 đang là thách thức rất lớn. Trong khi đó, về lượng khách quốc tế từ đầu năm 2022, Thái Lan đã đón hơn 2,2 triệu lượt, Malaysia đón trên 2 triệu lượt, Singapore đón trên 1,5 triệu lượt (6 tháng đầu năm), Indonesia đón trên 523.000 lượt (tính đến hết tháng 5/2022), Philippines đón trên 814.000 lượt (6 tháng đầu năm), Campuchia đón trên 510.000 lượt (6 tháng đầu năm).