• 1041 lượt xem
  • 14:02 14/05/2022
  • Xã hội

Điểm báo ngày 14/5: Giải pháp nào để thị trường chứng khoán vượt qua khó khăn?

Hà Nội: Cần có chế tài mạnh xử lý dứt điểm xe tự chế “tung hoành” trên đường phố; Giải pháp để thị trường chứng khoán vượt qua khó khăn; Xuất nhập khẩu hàng hoá hướng tới mục tiêu bền vững; Có nên giảm thêm thuế để hạ giá xăng dầu; Quy hoạch đô thị sông Hồng: Vai trò giao thông của đồ án mờ nhạt... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 14/5/2022.

Hà Nội: Cần có chế tài mạnh xử lý dứt điểm xe tự chế “tung hoành” trên đường phố

Liên quan đến việc xe tự chế “tung hoành” trên đường phố Hà Nội, dù đã có lệnh cấm, những hình ảnh những chiếc xe 3 bánh tự chế, chở hàng cồng kềnh, vẫn chạy ầm ầm trên các tuyến đường Thủ đô, nhất là những tuyến đường cửa ngõ, khu vực xây dựng, buôn bán vật liệu.  

Theo thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết, dù đã có không ít chỉ đạo từ lãnh đạo thành phố Hà Nội, song nhiều năm nay, tình trạng xe tự chế, xe quá đát vẫn “tung hoành” trên nhiều tuyến phố, khiến người dân hết sức bất an mỗi khi tham gia giao thông. Nhiều chuyên gia nhận định, chế tài xử phạt tiền đối với những hành vi vi phạm nêu trên vẫn còn khá nhẹ, chưa tương xứng với thiệt hại thực tế mà những hành vi vi phạm này có thể gây ra. 

Chính vì vậy, thực tế hiện nay còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân vẫn cố tình vi phạm luật, chấp nhận bị cơ quan chức năng xử phạt để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển đồ. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để hạn chế xe ba gác tự chế lưu thông ngoài đường, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm cả chủ xe lẫn người điều khiển. Cần có biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần.

Giải pháp để thị trường chứng khoán vượt qua khó khăn?

Theo thông tin đăng tải trên báo Hà nội mới, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. 

Theo đó, thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Chỉ số VN-Index giảm tới hơn 60 điểm, xuống mức 1.238,84 điểm. Cùng với đó, thanh khoản trong những phiên gần đây ở mức thấp. So với mức đỉnh ghi được hồi đầu năm, chỉ số VN-Index đã giảm tới hơn 280 điểm. Theo đó cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn. 

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán.

Xuất nhập khẩu hàng hoá hướng tới mục tiêu bền vững

Liên tục duy trì kim ngạch tăng trưởng 2 con số và xuất siêu ở mức cao, giai đoạn vừa qua, xuất nhập khẩu hàng hóa được đánh giá là một trong những điểm sáng của nền kinh tế đất nước. Thời gian tới, thay vì tập trung vào con số, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang dần tiến dần đến mục tiêu bền vững. Thông tin được đăng tải trên báo Nhân dân.  

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu, nhất là vào giai đoạn quý III/2021 khiến cộng đồng doanh thủy sản lo ngại về mục tiêu xuất khẩu 8,8 tỷ USD cho cả năm. Nhưng ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm đưa kết quả cả năm 2021 vượt trên mong đợi với trên 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. 

Trước những kết quả đã đạt được, Chính phủ đã ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, đề ra 6 nhóm giải pháp và một trong những điểm mới đó là nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong phát huy lợi thế so sánh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hướng tới xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững thời gian tới.

 Có nên giảm thêm thuế để hạ giá xăng dầu

Dù đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng giá xăng vẫn cao kỷ lục sau kỳ điều chỉnh, khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế khó đạt được như kỳ vọng.  

Theo thông tin đăng tải trên báo VOV, hiện giá mỗi lít xăng E5RON 92 tăng 1.490 đồng lên 28.950 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.550 đồng lên 29.980 đồng. Mức giá cao kỷ lục này đang gây áp lực nặng nề nên cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Theo chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ bình ổn giá.

 Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ bình ổn giá cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế. Bên cạnh đó, bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Quy hoạch đô thị sông Hồng: Vai trò giao thông của đồ án mờ nhạt

Nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò về giao thông của đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng còn mờ nhạt, đặc biệt là giao thông thủy. Khi các cầu vượt sông được xây dựng thì sẽ tương tác với giao thông thủy như thế nào.  

Báo Dân Việt đưa tin, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch đô thị sông Hồng với tổng diện tích 10.996,16 ha. Trong đó, quỹ đất dành cho giao thông (từ cầu Hồng Hà - cầu Mễ Sở) chiếm 532,16 ha, tính đến đường cấp khu vực. Nhiều chuyên gia đánh giá cao đồ án quy hoạch sông Hồng, đây là chủ trương rất tốt để giải quyết ách tắc cho người dân. Đường sá khi được xây cầu sẽ thuận tiện cho người dân hơn, giúp ích cho việc kết nối các tỉnh thành được nhanh hơn. 

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất là hiện trạng, giá trị thực tại của sông Hồng hiện nay ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân vẫn chưa được đánh giá cụ thể. Bên cạnh đó, vai trò về giao thông của đồ án còn mờ nhạt, đặc biệt là giao thông thủy. Khi các cầu vượt sông được xây dựng thì sẽ tương tác với giao thông thủy như thế nào hay giao thông thủy tương tác với giao thông đường bộ ra sao vẫn chưa được đề cập chi tiết.