Điểm báo ngày 13/7: Phát triển công trình xanh tại Hà Nội: Xây mới đi đôi với cải tạo đô thị

Phát triển công trình xanh tại Hà Nội: Xây mới đi đôi với cải tạo đô thị; Bộ Công thương yêu cầu Grab cung cấp thông tin về mức phí, phụ phí; Grab thu phí nắng nóng: Không có quy định nào cho phép; Đề xuất tăng hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên; Nghiên cứu sửa đổi luật hợp tác xã 2012... là những tin tức đáng chú trên các mặt báo sáng ngày 13/7.

PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH TẠI HÀ NỘI: XÂY MỚI ĐI ĐÔI VỚI CẢI TẠO ĐÔ THỊ

Hà Nội đang gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Vì vậy, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống. Tuy nhiên, sự quan tâm về công trình xanh ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa đúng mức. Trên báo Kinh tế và Đô thị số ra ngày hôm nay có bài viết: Phát triển công trình xanh tại Hà Nội: xây mới đi đôi với cải tạo đô thị.

Theo bài viết, việc hiện thực công trình xanh ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều trở ngại. Thách thức lớn hiện nay là chưa có hệ thống hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, khuyến khích, bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh bền vững, thiếu sự định hướng của Nhà nước cũng như các quy định về luật. Mặt khác, bên cạnh những tổ chức, DN đang nỗ lực hướng tới những sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, không ít hiện tượng mượn mác “xanh” để trục lợi từ chính sách ưu đãi hoặc để tạo ra vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không thực chất.

BỘ CÔNG THƯƠNG YÊU CẦU GRAB CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ MỨC PHÍ, PHỤ PHÍ

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người dùng (Bộ Công thương) có văn bản đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí "nắng nóng" để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin mới đây được đăng tải trên Thời báo tài chính Việt Nam.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể. Trong đó, cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay. (căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe...); cùng các thông tin, tài liệu liên quan khác.

GRAB THU PHÍ NẮNG NÓNG: KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH NÀO CHO PHÉP

Trên báo Giao thông có bài viết phân tích ý kiến ở góc độ pháp lý của Luật sư về nội dung này, theo đó khẳng định việc Grab thu phụ phí nắng nóng không có quy định nào cho phép và nó cũng không thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo quy định, nếu muốn áp dụng, phía Grab phải có phương án báo cáo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc bổ sung danh mục dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ phải thực hiện kê khai giá tại địa bàn địa phương.

ĐỀ XUẤT TĂNG HỖ TRỢ ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

Chuyển sang một số thông tin tích cực liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Trên báo điện tử VnExpress mới đây có bài viết: Đề xuất tăng hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.

Theo bài viết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tăng hỗ trợ ngân sách từ 30% lên 50% đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Việc hỗ trợ đóng cho các nhóm này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính, nâng tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT, nhất là khi chi phí sinh hoạt tăng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT với đồng bào thiểu số, người dân sinh sống vùng đặc biệt khó khăn. Theo quy định, nhóm này được nhà nước hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT. Một số nhóm lao động được đề nghị bổ sung đóng BHYT bắt buộc gồm: Quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ 2012

Sau 10 năm thực hiện, Luật HTX 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa thực sự tạo động lực để phát huy vai trò của HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn mờ nhạt. Trên báo Nông nghiệp Việt Nam có bài viết: Nghiên cứu sửa đổi Luật HTX 2012.

Bài viết phân tích ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, Hiện nay đang tồn tại 4 điểm nghẽn trong việc phát triển HTX nông nghiệp: Thứ nhất là thành viên HTX còn nhỏ lẻ, manh mún. Thứ hai là khung pháp lý. Thứ ba là đất đai cho HTX. Thứ tư là các cơ chế chính sách cho các HTX. Do đó việc sửa đổi Luật HTX năm 2012 là cần thiết nhằm tạo động lực, khuyến khích tham gia, phát triển HTX; đảm bảo HTX bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực, thụ hưởng hỗ trợ; phát triển đa dạng mô hình HTX nông nghiệp, để HTX nông nghiệp là mô hình giúp nông dân tham gia thị trường, khởi nghiệp kinh doanh.