Điểm báo: Hoàn thiện chính sách tài chính để thị trường Carbon vận hành hiệu quả

Hoàn thiện chính sách tài chính để thị trường Carbon vận hành hiệu quả; Bài toán giảm thiểu ô nhiễm không khí vẫn nan giải; Giá lúa, gạo xuất khẩu lao dốc; Hội thảo góp ý về dự thảo luật công chứng (sửa đổi)… Là những tin có trong điểm báo sáng nay.

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐỂ THỊ TRƯỜNG CARBON VẬN HÀNH HIỆU QUẢ

 Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu, việc xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trở thành công cụ ngày càng quan trọng. Trên Thời báo tài chính Việt Nam có bài viết:  Hoàn thiện chính sách tài chính để thị trường carbon vận hành hiệu quả.

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ. Trước mắt, Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.

BÀI TOÁN GIẢM THIỂU Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ  VẪN NAN GIẢI

Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và cuộc sống nhân loại đã và đang là vấn đề nóng luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Ở nước ta, vấn đề này cũng đang trở thành nỗi lo của không chỉ riêng ai, nhất là khi thỉnh thoảng Thủ đô Hà Nội lại bị truyền thông nêu tên là TP ô nhiễm không khí nhất thế giới - dựa trên số liệu đo từ ứng dụng quan trắc tự động.

Trên báo Kinh tế và đô thị, một số chuyên gia cho rằng, Để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, có các biện pháp giảm bụi đường phố. Bên cạnh đó, củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng, đẩy mạnh phát triển xe điện. Ngoài ra, xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi…

GIÁ LÚA, GẠO XUẤT KHẨU LAO DỐC

Giá lúa, gạo xuất khẩu giảm 10-12% so với cuối năm ngoái. Thông tin trên báo điện tử VnExpress.

Ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá lúa tại ruộng bình quân 7.200-8.000 đồng một kg. Mức này hạ 10-12% so với cuối năm ngoái.  Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam, từ đầu năm, giá lúa hạ 1.000-1.300 đồng một kg. Các loại gạo tại kho cũng giảm 1.200-1.800 đồng, khiến giá gạo xuất khẩu điều chỉnh theo.  Hiện, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD một tấn, hạ 6 USD một tấn so với ngày hôm trước. Với mức này, gạo Việt đang thấp hơn Pakistan và Thái Lan lần lượt 12-15 USD một tấn.

HỘI THẢO GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Thời gian gần đây, phim Việt chiếu rạp thu hút lượng khán giả lớn và đã trở thành một hiện tượng đáng quan tâm. Báo Đại đoàn kết có bài viết về nội dung này.

Tờ Deadline (Mỹ) dẫn chứng về doanh số ấn tượng của phim “Mai” do Trấn Thành đạo diễn. Bộ phim đã đạt mức doanh thu hơn 400 tỷ đồng và có khả năng vượt qua doanh thu của phim “Nhà bà Nữ” ra mắt vào mùa Tết năm 2023. Theo một số nguồn tư vấn, Việt Nam đang là thị trường chiếu phim phát triển nhanh thứ hai tại châu Á, chỉ sau Ấn Độ. Có nhiều yếu tố đưa tới sự phát triển nhanh và mạnh của thị trường chiếu phim tại Việt Nam. Một trong những động lực đó là hoạt động làm phim trong nước đang phát triển với nhịp độ năng động. Các nhà làm phim mạnh dạn thử nghiệm với những thể loại mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả.  

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam