Điểm báo 26/2: Không thể có trường học hạnh phúc nếu vẫn giữ tư duy giáo dục cũ

Ích nước lợi nhà từ đấu giá biển số xe; Không thể có trường học hạnh phúc nếu vẫn giữ tư duy giáo dục cũ; Gỡ vướng mắc cơ chế xử lý nợ; Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng ngay đầu năm 2024;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 26/2.

ÍCH NƯỚC LỢI NHÀ TỪ ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE 

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 15.500 biển số đẹp được đấu giá và thu về cho ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng. Như vậy sau nhiều cuộc tranh luận, thực tế cho thấy đấu giá biển số xe là một hoạt động mang lại nhiều lợi ích. Bài viết trên báo Tuổi trẻ.

Từ việc đấu giá biển số xe đã mở ra một hướng mới là Nhà nước chuyển một số hoạt động kinh tế từ trước nay diễn ra theo hình thức chỉ định, phân bổ, xin - cho sang hình thức đấu giá. Theo Tuổi trẻ, ngoài việc mang lại tài chính cho ngân sách nhà nước, thì đấu giá biển số xe còn là sự công khai, minh bạch trước công luận, xóa bỏ được những chuyện tiêu cực truyền thống như ban phát, xin - cho và đằng sau mỗi phi vụ là tiền bạc, vật chất. Rõ ràng đấu giá mang lại lợi ích cho nhiều phía và vì thế cần tiếp tục phát huy hình thức này để có lợi cho đất nước và người dân. 

KHÔNG THỂ CÓ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC NẾU VẪN GIỮ TƯ DUY GIÁO DỤC CŨ

Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT nhiều lần đưa ra thông điệp về xây dựng trường học hạnh phúc và một số trường học cũng đang thúc đẩy xây dựng mô hình này. Về vấn đề này, báo điện tử VOV có bài viết "Không thể có trường học hạnh phúc nếu vẫn giữ tư duy giáo dục cũ".

Theo VOV, nhiều người hiểu đơn giản rằng, trường học hạnh phúc là trường học vui vẻ, thoải mái. Điều đó không chính xác. Trường học hạnh phúc là trường học đảm bảo chất lượng nhà trường, đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục đó là dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Theo đó, trước tiên Bộ GD-ĐT cần có một văn bản chính thức về xây dựng trường học hạnh phúc để các địa phương áp dụng bài bản. Việc xây dựng trường học hạnh phúc cần thực chất chứ không phải là sự vui vẻ, nửa vời. Vì vậy cần có hệ thống đánh giá, giám sát nghiêm ngặt, thực chất.

GỠ VƯỚNG MẮC CƠ CHẾ XỬ LÝ NỢ

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, hiện nay, nợ xấu đã ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, kinh tế còn nhiều khó khăn, sức khỏe nhiều doanh nghiệp suy yếu. Bài viết trên báo Nhân dân.

Theo báo Nhân dân, nếu tính đúng, tính đủ, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống sẽ tăng hơn nhiều con số được công bố. Rất cần các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi. Trong đó, việc tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp cần tính đến. Vì vậy nhiều ngân hàng đã đề xuất tiếp tục kéo dài Thông tư số 02/2023/TT-NHNN để gỡ vướng mắc cơ chế xử lý nợ. Theo quy định, Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Hiện cơ quan quản lý nhất trí với chủ trương gia hạn thêm Thông tư 02 nhưng chưa thể khẳng định kéo dài thêm bao lâu vì cần phải đánh giá kỹ hơn. 

QUYẾT TÂM ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG NGAY ĐẦU NĂM 2024

Với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt từ 6-6,5%, ngay từ đầu năm 2024 Chính phủ, bộ ngành, địa phương đã và đang quyết liệt vào cuộc với sự đồng hành, chia sẻ từ người dân và doanh nghiệp. "Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng ngay đầu năm 2024" là tiêu đề bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2024 tăng trên 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu đến giữa tháng 2 tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Kinh tế và Đô thị, điểm sáng trong năm 2024 là một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch… Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định. Hy vọng với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu năm, các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 sẽ hoàn thành.